Giá dầu thô hôm nay 2/7: Giá dầu thô phục hồi, thị trường lo ngại căng thẳng nguồn cung sẽ trở nên nghiêm trọng hơn

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô thế giới đã phục hồi đáng kể khi thị trường lo ngại tình trạng căng thẳng nguồn cung dầu sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian tới do hoạt động khai thác tại một số quốc gia suy yếu và đàm phán thoả thuận hạt nhân Iran – Hoa Kỳ rơi vào bế tắc.
Diễn biến giá dầu thô hôm nay
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 1/7 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 bật tăng 2,38% lên 111,63 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 8/2022 tăng tới 2,52% lên 108,43 USD/thùng.

Giá dầu thô phục hồi khi thị trường lo ngại căng thẳng nguồn cung dầu trên toàn cầu có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian tới khi nguồn cung từ một số quốc gia đang suy yếu. Trong đó, sản lượng khai thác thực tế của liên minh OPEC+ vẫn thấp hơn mức mục tiêu đề ra. Liên minh OPEC+ bao gồm 13 quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và 10 quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu. Liên minh này hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Libya, quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ 7 trong khối OPEC, vừa phải tuyên bố tạm ngưng hoạt động nhiều cảng xuất khẩu dầu quan trọng tại nước này do tình trạng căng thẳng chính trị leo thang. Tập đoàn dầu khí quốc gia Libya (NOC) cho biết sản lượng xuất khẩu dầu của nước này hiện dao động từ 365.000 – 409.000 thùng/ngày, giảm tới 865.000 thùng/ngày so với thông thường.

Sản lượng khai thác dầu thô của Ecuador cũng đang suy giảm mạnh vì các cuộc biểu tình kéo dài tại nước này. Ecuador là quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ 5 tại khu vực Nam Mỹ.

Mặt khác, hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ cho biết khả năng khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran đang ngày càng thấp hơn sau khi cuộc đàm phán gián tiếp giữa Hoa Kỳ và Iran tại Doha (Qatar) trong tuần này không đạt tiến triển. Điều này sẽ khiến nguồn cung dầu thô từ Iran ra thị trường quốc tế khó có thể tăng nhanh trở lại.

Tính chung cả tháng 6 vừa qua, giá dầu thô thế giới giảm 8%, chủ yếu do thị trường lo ngại việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) mạnh tay nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, khiến nhu cầu sử dụng dầu thô suy giảm.

Bên cạnh đó, mặc dù Trung Quốc bắt đầu tái mở cửa các thành phố lớn sau thời gian dài áp đặt các biện pháp phong toả phòng chống dịch nghiêm ngặt nhưng nước này vẫn khẳng định sẽ theo đuổi chiến lược Zero-Covid khiến thị trường lo ngại về triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô của quốc gia này. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Kết thúc phiên họp chính sách định kỳ vào ngày 30/6, liên minh OPEC+ tiếp tục giữ nguyên mục tiêu sản lượng khai thác trong tháng 8 như đã đề ra trong phiên họp đầu tháng 6. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên tổ chức này từ chối thảo luận về kế hoạch khai thác và mục tiêu sản lượng cho tháng 9 tới đây.

Tường Vy