Cụ thể, vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent giao tháng 1/2022 phục hồi 3,71% lên 75,52 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 1/2022 cũng tăng 4,56% lên 71,26 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, tâm lý hoảng loạn đã bao trùm hầu hết các thị trường tài chính trên toàn cầu khi thông tin về biến chủng Covid-19 mới Omicron được công bố với các nhận định ban đầu cho thấy biến chủng Omicron có nhiều đột biến hơn biến chủng Delta hiện tại. Hàng loạt quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Liên minh EU… đã áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển đối với những người đến từ Nam Phi – nơi lần đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng Omicron và các quốc gia khu vực phía Nam châu Phi.
Điều này đã kích hoạt làn sóng bán tháo trên thị trường hàng hoá quốc tế, đặc biệt là mặt hàng dầu thô. Giới đầu tư lo ngại các biện pháp hạn chế di chuyển và khả năng tái áp đặt các biện pháp phong toả diện rộng sẽ khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu suy giảm trở lại. Bên cạnh đó, giới đầu tư còn lo ngại thị trường sẽ rơi vào tình trạng dư cung dầu thô như một số cảnh báo gần đây từ giới phân tích.
Ông Hiroyuki Kikukawa, người đứng đầu bộ phân nghiên cứu của hãng giao dịch chứng khoán Nissan Securities (Nhật Bản), nhận định việc giá dầu thô phục hồi trong phiên giao dịch sáng nay cho thấy thị trường đang điều chỉnh trở lại sau khi dầu thô rơi vào tình trạng quá bán vào cuối tuần trước. Đồng thời, giới đầu tư kỳ vọng liên minh OPEC+ sẽ có các biện pháp để chống lại tác động của biến chủng Omicron đến cung – cầu dầu thô như cắt giảm sản lượng khai thác.
“Hiện thị trường tập trung quan sát tác động của biến chủng Omicron đến nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu sử dụng nhiên liệu, cũng như hành động của liên minh OPEC+ và cuộc đối thoại hạt nhân giữa Iran và các cường quốc trên thế giới diễn ra trong tuần này”, ông Hiroyuki Kikukawa cho biết.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cho biết hiện vẫn chưa đủ bằng chứng cho thấy liệu biến chủng Omicron có dễ lây lan hơn hay nguy hiểm hơn các biến chủng khác đã biết. Liên minh OPEC+ đã dời lịch họp về cuối tuần này nhằm có thêm thời gian để đánh giá tình hình. Phiên họp này sẽ quyết định liệu liên minh OPEC+ có tiếp tục duy trì kế hoạch nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 12 tới đây hay không.
Một số chuyên gia phân tích nhận định liên minh OPEC+ có thể tạm ngưng việc nâng sản lượng khai thác sau khi các quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… lên kế hoạch sử dụng hàng chục triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược để hạ nhiệt đà tăng nóng của giá dầu thô giai đoạn vừa qua.