Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 1/2022 đã giảm mạnh 11,55% xuống còn 72,72 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 1/2022 giảm tới 13,06% còn 68,15 USD/thùng.
Đây đều là mức sụt giảm theo ngày mạnh nhất kể từ hồi tháng 4/2020 sau khi hàng loạt quốc gia trên thế giới đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19, giá dầu thô sau đó đã lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống mức âm tại Hoa Kỳ.
Trong ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập cuộc họp đặc biệt để bàn cách ứng phó với siêu biến chủng mới của virus COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi, đồng thời đặt tên cho siêu biến chủng mới này là Omicron.
Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp khẩn cấp cùng ngày, WHO nêu rõ: "Biến thể này có số lượng lớn các đột biến, trong đó một số đáng lo ngại. Bằng chứng ban đầu cho thấy nguy cơ lây nhiễm với biến thể này cao hơn so với các biến chủng khác".
Biến thể Omicron lần đầu tiên được báo cáo cho WHO từ Nam Phi vào ngày 24//11. Tình hình dịch tễ học ở Nam Phi, trong những tuần gần đây, các ca nhiễm đã tăng mạnh, trùng với việc phát hiện biến thể Omicron. Sau các nghiên cứu ban đầu cho thấy biến thể Omicron có khả năng lây truyền nhanh hơn cả biến thể Delta.
Hàng loạt quốc gia gồm Hoa Kỳ, Canada, Liên minh Châu Âu, Singapore, Nhật Bản, Vương quốc Anh… đồng loạt ban hành lệnh cấm du lịch đến Nam Phi, cũng như siết chặt nhập cảnh đối với những người đến từ Nam Phi và miền nam Châu Phi. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới cũng đã phát hiện biến thể Omicron gồm Hồng Kông (Trung Quốc), Isarel và Bỉ.
Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, cho biết đang quan sát kỹ diễn biến dịch do biến chủng Omicron gây ra. Một số thành viên liên minh OPEC+ nhận định sự xuất hiện của biến chủng mới với tốc độ lây lan nhanh sẽ khiến triển vọng thị trường dầu mỏ toàn cầu trở nên u ám hơn. Liên minh OPEC+ sẽ có phiên họp quyết định chính sách khai thác dầu thô tháng 12/2021 và những tháng đầu năm 2022 vào ngày 2/12 tới đây.
Giới phân tích cảnh báo các biện pháp hạn chế di chuyển cũng như sự lây lan của biến chủng mới có thể buộc nhiều quốc gia phải tái áp dụng các biện pháp phong toả diện rộng, khiến nhu cầu sử dụng dầu thô sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, Nga – thành viên chủ chốt của liên minh OPEC+ hiện vẫn chưa tỏ ra bi quan về tác động của biến chủng Omicron đến diễn biến thị trường dầu mỏ. Nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu hiện đang phục hồi mạnh và OPEC dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô của thế giới trong năm 2022 sẽ đạt mức 100 triệu thùng/ngày bằng mức như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Thị trường hiện cũng tập trung quan sát việc Hoa Kỳ và một số quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn như Ấn Độ, Nhật Bản, Vương quốc Anh dự kiến sẽ tung ra hàng chục triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược.