ECB cho biết tình trạng dư cung dầu thô trên toàn cầu sẽ tăng vọt từ mức 1,1 triệu thùng/ngày lên 2,3 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2022 và lên tới 3,7 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2022 nếu như Hoa Kỳ và các quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản giải phóng kho dự trữ dầu thô chiến lược.
Vào lúc 11h00 sáng nay, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 1/2022 giao dịch quanh mốc 78,34 USD/thùng; giá dầu thô Brent giao tháng 1/2022 đạt 82,27 USD/thùng.
Trong ngày 23/11, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố đã ra lệnh xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược của nước này trong nỗ lực phối hợp với các quốc gia khác nhằm hạ nhiệt giá dầu. Nhà Trắng nêu rõ: "Quyết định sử dụng dầu dự trữ chiến lược này sẽ được thực hiện song song với các nước tiêu thụ năng lượng chủ chốt khác bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh".
Theo một quan chức Hoa Kỳ cấp cao, động thái này sẽ bắt đầu từ giữa hoặc cuối tháng 12 tới đây và Hoa Kỳ có thể can thiệp hơn nữa nhằm ổn định thị trường. Đây là lần đầu tiên, Hoa Kỳ phối hợp mở kho dầu dự trữ với một số nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Tương tự, Chính phủ Ấn Độ cùng ngày thông báo sẽ xả bán ra thị trường khoảng 5 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược của mình, trong hành động phối hợp với Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác để hạ nhiệt giá dầu thô. Tuy nhiên, Ấn Độ chưa thông báo chi tiết thời gian nào sẽ đưa lượng dầu trên ra thị trường. Ấn Độ hiện là nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới.
Trong khi đó, Hàn Quốc cho biết nước này sẽ quyết định lượng dầu được sử dụng từ kho dự trữ chiến lược và thời gian sử dụng khi đã tham vấn với các nước khác. Trong cuộc khủng hoảng tại Libya năm 2011 khiến nguồn cung dầu toàn cầu giảm tới 1,8 triệu thùng/ngày, Hàn Quốc đã phải xả gần 3,5 triệu thùng dầu - tương đương 4% dự trữ quốc gia của nước này hồi bấy giờ.
Trong suốt những tháng gần đây, chính quyền của ông Joe Biden liên tục gây sức ép, kêu gọi OPEC phải nâng sản lượng khai thác nhằm giữ giá dầu ở mức hợp lý, hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh như Nga (liên minh OPEC+) kiên quyết giữ quan điểm chỉ nâng sản lượng khai thác ở mức vừa phải và cảnh báo thị trường sẽ rơi vào tình trạng dư cung dầu thô kể từ đầu năm sau.
Một số thành viên thuộc liên minh OPEC+ đã phát đi tín hiệu cho biết sẽ cân nhắc huỷ việc nâng sản lượng khai thác trong những tháng tới đây nếu như Hoa Kỳ và các quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn trên thế giới xả bán dầu từ kho dự trữ chiến lược.
[Quảng cáo]