Cụ thể, S&P Global Platts cho biết tình trạng nhu cầu mua sắm bị đè nén trong thời gian dài áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, các gói kích thích kinh tế lớn của nhiều quốc gia và quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu sử dụng các kim loại công nghiệp cơ bản như đồng, nickel và kẽm, kéo theo đó là triển vọng giá tăng lên trong trung hạn. S&P Global Platts nhấn mạnh giá các kim loại công nghiệp cơ bản sẽ duy trì ở mức cao vượt mức trung bình lịch sử cho đến năm 2025.
Đối với quặng sắt, S&P Global Platts nhận định giá quặng sắt sẽ biến động mạnh hơn trong năm 2022 do các rủi ro đứt gãy nguồn cung, các dự án khai thác mới và mở rộng khai thác bị trì hoãn, khủng hoảng thiếu hụt năng lượng và các vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đối với kim loại đồng, nhu cầu bùng nổ về năng lượng điện gió và điện mặt trời trên toàn cầu sẽ khiến nhu cầu sử dụng đồng trong lĩnh vực năng lượng tăng vọt lên mức 852.000 tấn trong năm 2022. Đồng thời, hoạt động sản xuất lắp ráp xe ô tô điện gia tăng sẽ giúp nhu cầu sử dụng đồng trong lĩnh vực này tăng thêm 1,1 triệu tấn trong năm sau.
S&P Global Platts cho biết biên lợi nhuận của việc khai thác kim loại công nghiệp dự báo sẽ tiếp tục ở mức tốt trong năm 2022 nhờ giá kim loại neo ở mức cao và các chi phí đầu vào của hoạt động khai thác, luyện kim được giữ ổn định. Biên lợi nhuận tốt sẽ giúp gia tăng ngân sách phục vụ hoạt động mở rộng khai khoáng của các doanh nghiệp mỏ thêm 15% trong năm 2022.
Tuy nhiên, mức ngân sách phân bổ cho việc thăm dò, khai thác mới của các doanh nghiệp khai khoáng trên toàn cầu trong năm sau được S&P Global Platts ước tính sẽ vẫn thấp hơn khoảng 15% so với mức cao kỷ lục 20,5 tỷ USD được ghi nhận hồi năm 2012.