Giá dầu thô quay đầu giảm trở lại, IEA cảnh báo nhu cầu sử dụng dầu suy yếu

Sau 3 phiên phục hồi, giá dầu thô quốc tế đã quay đầu giảm trở lại trong phiên giao dịch ngày 12/8 sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ suy yếu trong nửa cuối năm nay dưới các tác động của biến chủng Covid-19 Delta.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 12/7 - 13/8 (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 11h30 sáng nay ngày 13/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 tiếp tục giảm 0,56% xuống còn 70,88 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giảm 0,65% xuống mức 68,64 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 12/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm trở lại sau 3 phiên giao dịch tăng giá liên tiếp, xuống mức 71,31 USD/thùng. Giá dầu thô WTI cũng giảm xuống mức 69,09 USD/thùng.

Giá dầu thô quốc tế chịu áp lực giảm trở lại sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu sử dụng dầu thô đang có dấu hiệu suy giảm trong những tháng cuối năm nay khi một số khu vực trên thế giới phải tái áp đặt các biện pháp phong toả, hạn chế di chuyển để kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19.

“Chúng tôi đang ước tính sự sụt giảm nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu trong tháng 7 vừa qua khi đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta lây lan nhanh chóng tại Trung Quốc, Indonesia và một số quốc gia khác tại Châu Á”, IEA cho biết.

Ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng phái sinh hàng hoá Price Futures Group (Hoa Kỳ), cho biết nhận định tiêu cực về triển vọng thị trường của IEA sẽ tác động đến diễn biến giá dầu thô trong thời gian sắp tới.

Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn giữ nguyên nhận định nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ phục hồi mạnh trong năm nay và năm 2022 bất chấp những rủi ro đến từ việc đại dịch Covid-19 tái bùng phát. Đồng thời, OPEC nhấn mạnh tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô trên thị trường có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong nửa cuối năm.

OPEC cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay lên mức 5,6% với giả định sự bùng phát của đại dịch Covid-19 sẽ được khống chế. Tăng trưởng toàn cầu trong năm 2022 cũng được tổ chức này nâng lên mức 4,2%.

Trong ngày 11/8, chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã lên tiếng yêu cầu OPEC và các nước khai thác dầu thô đồng minh (liên minh OPEC+) gia tăng sản lượng khai thác nhằm giữ giá dầu thô ở mức “hợp lý”. Theo Hoa Kỳ, việc giá dầu thô tăng quá cao sẽ đe doạ đến đà phục hồi mỏng manh của nền kinh tế toàn cầu. Trong thời gian vừa qua, giá dầu thô Brent đã có lúc đạt ngưỡng 77 USD/thùng, tương đương với mức giá hồi năm 2019 khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát trên toàn cầu.

Quang Đặng