Vào lúc 10h30 sáng nay ngày 12/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai tiếp tục tăng nhẹ lên mức 71,53 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 69,35 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 11/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai tăng 1,15% lên 71,44 USD/thùng; giá dầu thô WTI tăng mạnh 1,41% lên 69,25 USD/thùng. Trong phiên giao dịch ngày 10/8, giá dầu thô quốc tế đã bật tăng tới 2,7%.
Bất chấp các lo ngại về việc nhu cầu sử dụng nhiên liệu có thể suy yếu khi đại dịch Covid-19 tái bùng phát nghiêm trọng tại nhiều nền kinh tế, giá dầu thô đang bật tăng mạnh trở lại khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục phục hồi tốt kéo theo đó là nhu cầu sử dụng nhiên liệu và lượng tồn trữ dầu thô của nước này đã giảm xuống trong tuần trước.
Dữ liệu của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố ngày 11/8 cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của nước này đang có xu hướng giảm liên tục trong những tuần gần đây và lượng tồn trữ xăng dầu cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ hồi tháng 11/2020 do mức tiêu thụ tăng cao. Mức tiêu thụ nhiên liệu tại Hoa Kỳ trong 4 tuần gần đây nhất đạt trung bình 20,6 triệu thùng/ngày, tương đương với mức tiêu thụ hồi năm 2019.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo nếu nhu cầu sử dụng nhiên liệu bắt đầu suy giảm dưới các tác động của đợt tái bùng phát đại dịch Covid-19 hiện nay thì giá dầu thô khó có thể tiếp tục neo cao.
Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa kêu gọi liên minh OPEC+ nâng sản lượng khai thác cao hơn nhằm giữ giá dầu thô ở mức chấp nhận được và cho rằng việc giá dầu thô tăng cao sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Cố vấn an ninh quốc gia Chính phủ Hoa Kỳ ông Jake Sullivan đã nhấn mạnh sản lượng của các quốc gia khai thác dầu thô lớn, bao gồm Ả-rập Xê-út hiện không tương xứng với nhu cầu sử dụng trên toàn cầu khi nhiều nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Trong năm ngoái, liên minh OPEC+ đã cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô ở mức cao kỷ lục, lên đến 10 triệu thùng/ngày tương ứng 10% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu nhằm ngăn chặn thị trường dầu mỏ sụp đổ. Liên minh OPEC+ đã bắt đầu nâng dần sản lượng khai thác trở lại trong những tháng gần đây nhưng vẫn giữ cách tiếp cận thận trọng do lo ngại các rủi ro từ diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.