Chỉ số giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) S&P Global Platts JKM đối với các lô hàng giao tháng 9/2021 đã đạt 16,155 USD/MMBtu vào ngày 5/8 vừa qua. Đây là lần đầu tiên trong vòng 8 năm trở lại đây, chỉ số giá này vượt ngưỡng 16 USD/MMBtu trong thời điểm mùa hè tại khu vực Bắc Bán cầu.
Chỉ số giá LNG S&P Global Platts JKM do hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) công bố và thường được xem là mức giá chuẩn đối với các giao dịch khí LNG trên thị trường giao ngay chuyển đến khu vực Đông Bắc Á. Mức giá hiện tại cao hơn 5 lần so với mức 3,2 USD/MMBtu cùng kỳ năm 2020 và khoảng 4 lần so với mức giá 4,2 USD/MMBtu trong cùng kỳ năm 2019.
Ông Jeff Moore, quản lý bộ phận phân tích thị trường LNG tại S&P Global Platts, nhận định “Chỉ số giá LNG S&P Global Platts JKM có khả năng tiếp tục neo ở ngưỡng cao như hiện nay hoặc tăng cao hơn trong những tuần tới khi nguồn cung trên thị trường ở mức thấp. Giá khí LNG trên thị trường giao ngay sẽ khó có thể giảm mạnh trong những tháng tới trừ khi giá than đá hoặc giá các nguồn năng lượng hoá thạch khác giảm mạnh. Việc giá các loại năng lượng hoá thạch giảm xuống sẽ giúp giá khí tự nhiên tại khu vực Châu Âu giảm, từ đó kéo giá tại khu vực Châu Á giảm theo”.
Các thương nhân và người mua khí LNG tại khu vực Châu Á hiện theo dõi chặt chẽ chỉ số giá khí tự nhiên TTF trên thị trường tương lai tại Hà Lan để nhận định diễn biến giá khí trong những tháng mùa đông tới đây.
Chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, chỉ số giá khí đốt TTF đã tăng tới 80%. Giá khí tự nhiên TTF cho các lô hàng giao tháng 9/2021 đạt 14,925 USD/MMBtu vào ngày 5/8 vừa qua. Đây là mức cao chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây tại thị trường Châu Âu.
Việc Châu Âu vừa trải qua mùa đông kéo dài cùng với mùa hè nóng nóng hơn thông thường đã khiến nhu cầu sử dụng khí đốt để sản xuất điện năng cho sưởi ấm và làm mát tăng cao hơn thường lệ, khiến lượng tồn trữ khí đốt tại khắp Châu Âu chạm đáy thấp kỷ lục.
Bên cạnh đó, sự không chắc chắn về nguồn cung khí đốt từ Nga cho mùa đông năm nay khiến nhiều nước Châu Âu hiện đẩy mạnh tích trữ khí đốt, khiến tình trạng cạnh tranh nguồn cung giữa Châu Âu và Châu Á tăng lên và đẩy giá khí tăng cao trên toàn cầu.
Nhiều quốc gia Châu Á cũng đang trải qua mùa hè khắc nghiệt khiến nhu cầu sử dụng khí đốt cho sản xuất điện để làm mát tăng cao kỷ lục. Dữ liệu cho thấy nhu cầu sử dụng điện năng tại Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng 7 vừa qua cao hơn tới 10% - 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhiều hãng tại Trung Quốc đang tích cực thu mua các lô khí dự trữ cho mùa đông sắp tới nhằm tránh lặp lại bài học thiếu hụt nguồn cung năm ngoái.
Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin tại Singapore cho biết mức giá trung bình cho các lô khí LNG được giao đến khu vực Đông Bắc Á trong tháng 12/2021 hiện đã lên mức 17,65 USSD/MMBtu và lên tới 17,80 USD/MMBtu cho các lô hàng giao tháng 1/2022 – cao điểm tiêu thụ khí LNG của mùa đông. Các mức giá hiện nay cao hơn nhiều so với mức 11,50 USD/MMBtu trong tháng 12/2020.
Giới phân tích cảnh báo việc tồn trữ khí đốt tại nhiều khu vực trên thế giới đang ở mức rất thấp do mùa hè nắng nóng đồng nghĩa với việc những khu vực này khó có thể tái bổ sung lượng dự trữ trước khi mùa đông đến. Do đó giá khí đốt sẽ tiếp tục ở mức cao trong những tháng mùa đông tới đây, đặc biệt khi nhiệt độ được dự báo sẽ xuống thấp.
Giá khí tự nhiên trên thị trường tương lai tại Hoa Kỳ trong tuần trước cũng tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 31 tháng trở lại đây khi dự báo cho thấy nhiệt độ tại nước này sẽ còn ở mức cao hơn thông thường cho đến tháng 9/2021 và lượng tồn trữ khí hiện ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Bên cạnh nhu cầu sử dụng khí đốt cho sản xuất điện năng, một số quốc gia như Ấn Độ đang đẩy mạnh thu mua khí đốt cho sản xuất phân bón và hoá chất. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ và tập đoàn Petronet LNG đã mua vào hai lô khí giao tháng 8 và tháng 9/2021 với mức giá trên 15 USD/MMBtu.