Giá dầu thô quay lại mức 85 USD/thùng, OPEC+ gặp khó trong việc nâng sản lượng

Giá dầu thô tiếp tục tăng trong phiên giao dịch sáng nay ngày 2/11, giá dầu thô Brent quay trở lại mức 85 USD/thùng trong bối cảnh thị trường lo ngại liên minh OPEC+ gặp khó khăn trong việc nâng sản lượng khai thác.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 4/10 - 2/11/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 9h30 sáng nay ngày 2/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 12/2021 tiếp tục tăng 0,42% lên 85,01 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 11/2021 cũng tăng 0,25% lên 84,27 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 1/11 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent tăng 1,1% lên 84,71 USD/thùng; trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu chịu áp lực giảm mạnh còn 83,03 USD/thùng. Tương tự, giá dầu thô WTI chốt phiên giao dịch tăng 0,6% lên 84,05 USD/thùng sau khi giảm mạnh về ngưỡng 82,74 USD/thùng lúc đầu phiên giao dịch.

Giá dầu thô bật tăng mạnh trở lại sau khi khảo sát của hãng tin Reuters (Anh) cho thấy mức tăng sản lượng khai thác dầu thô trên thực tế của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tháng 10 thấp hơn mức mục tiêu đã đề ra. Trong khi đó, liên minh OPEC+, bao gồm OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, đề ra mục tiêu nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11 này.

Điều này khiến một số nhà phân tích lo ngại liên minh OPEC+ khó có thể đảm bảo thực hiện được mục tiêu này; hoạt động khai thác dầu thô tại một số quốc gia nhỏ trong liên minh hiện gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn vốn đầu tư mở rộng khai thác, hệ thống khai thác lâu chưa được bảo dưỡng.

Trong khi đó, nhiều quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn như Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản ngày càng gia tăng sức ép, kêu gọi liên minh OPEC+ cần nâng sản lượng khai thác lên mức cao hơn nữa nhằm giữ giá dầu thô ở mức hợp lý. Trong ngày 30/10, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã kêu gọi các quốc gia sản xuất năng lượng lớn thuộc khối G20 cần tận dụng phần công suất dư thừa để tăng nguồn cung năng lượng hơn nữa nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu hậu đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, liên minh OPEC+ hiện vẫn chưa có bất kỳ động thái nào cho thấy sẽ tiếp tục nâng sản lượng khai thác. Đồng thời, một số quốc gia thành viên liên minh như Kuwait và Iraq vừa cho biết mức nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11 là mức hợp lý, đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường.

Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã bắt đầu xả bán xăng và dầu diesel từ kho dự trữ chiến lược quốc gia nhằm đảm bảo nguồn cung trên thị trường nội địa và kìm hãm đà tăng mạnh của giá các loại năng lượng trong bối cảnh nước này đang đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.

Khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy giới phân tích nhận định giá dầu thô sẽ tiếp tục neo quanh ngưỡng 80 USD/thùng cho đến cuối năm nay do nguồn cung không theo kịp sự phục hồi nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, việc giá khí đốt tăng vọt cũng khiến nhiều nhà máy sản xuất điện trên toàn cầu tăng cương sử dụng dầu nhiên liệu thay vì khí tự nhiên.

Quang Đặng