Giá dầu thô thế giới giảm 5% tuần này do lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu

Tính chung cả tuần này, giá dầu thô thế giới đã giảm gần 5% khi thị trường lo ngại nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn sẽ khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu suy yếu. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc trong tháng 4 được nhận định sẽ giảm đáng kể.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 22/4), giá dầu thô Brent giao tháng 6/2022 giảm 1,55% xuống còn 106,65 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2022 cũng giảm 1,66% xuống mức 102,07 USD/thùng.

Tính chung cả tuần này, giá dầu thô thế giới đã giảm gần 5% trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu được nhận định sẽ ở mức thấp hơn các dự báo trước đây và việc Trung Quốc kéo dài phong toả phòng chống đại dịch Covid-19 sẽ khiến nhu cầu sử dụng dầu thô của nước này suy giảm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa qua đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và năm 2023 xuống còn 3,6%, thấp hơn lần lượt 0,8% và 0,2% so với dự báo đưa hồi tháng 1. IMF cũng cảnh báo tăng trưởng toàn cầu trung hạn cũng sẽ giảm xuống mức 3,3%, thấp hơn so với mức trung bình 4,1% trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2013.

Theo IMF, các quốc gia châu Âu sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm hơn do cuộc xung đột tại Ukraine đẩy giá nhiên liệu và lương thực tăng cao, kéo theo lạm phát tăng và tình trạng này sẽ diễn ra trong thời gian dài hơn dự kiến. Chính phủ Đức được nhận định sẽ giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2022 từ mức 3,6% xuống chỉ còn 2,2%. Đức là nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU).

Trong khi đó, hãng tin Bloomberg cho biết nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, trong tháng 4 này sẽ giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc hiện vẫn đang áp dụng các biện pháp phong toả chặt chẽ tại nhiều thành phố lớn, bao gồm cả Thượng Hải – trung tâm kinh tế lớn nhất, nhằm kiểm soát đợt bùng phát dịch Covid-19 mới do biến chủng Omicron gây ra.

Ngoài ra, thị trường hàng hoá nói chung và thị trường dầu mỏ nói riêng còn chịu tác động tiêu cực từ việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell cho biết FED có thể nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5%, cao gấp đôi so với thường lệ, trong phiên họp chính sách diễn ra vào đầu tháng 5 tới đây. Thông tin này đã đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong hơn 2 năm trở lại đây, khiến các loại hàng hoá, nguyên liệu thô được định giá bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn so với các nhà đầu tư nắm giữ loại tiền tệ khác.

Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu phần nào được kìm hãm khi Liên minh châu Âu đang cân nhắc việc cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga. Tập đoàn tài chính JP Morgan (Hoa Kỳ) cảnh báo việc EU cấm nhập khẩu hoàn toàn và ngay lập tức các nguồn năng lượng tư Nga sẽ khiến thị trường toàn cầu mất đi khoảng 4 triệu thùng dầu/ngày từ Nga và đẩy giá dầu thô lên mức 185 USD/thùng.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen vừa cảnh báo việc Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu thô và khí đốt từ Nga có thể gây ra những hậu quả không lường trước. Dữ liệu cho thấy công suất hoạt động của các nhà máy lọc dầu tại châu Âu trong tháng 3/2022 đã giảm 4% so với tháng 2/2022.

Tập đoàn tài chính Morgan Stanley (Hoa Kỳ) đã nâng dự báo giá dầu thô Brent trong quý 3/2022 đạt trung bình 130 USD/thùng, tăng 10 USD/thùng so với dự báo gần nhất với nhận định tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu sẽ ở mức nghiêm trọng hơn khi nguồn cung từ Nga và Iran suy yếu.

Duy Quang