Chốt phiên giao dịch ngày 22/4, giá dầu đậu nành kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã chạm mức cao kỷ lục 81,42 cents/lb (0,454 kg). Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá mặt hàng này tăng lên đến 83,21 cents/lb, tăng 4,5% so với đầu phiên giao dịch.
Đà tăng của giá dầu đậu nành chủ yếu do Indonesia quyết định ngưng xuất khẩu dầu cọ kể từ ngày 28/4 nhằm kiểm soát đà tăng mạnh của giá thực phẩm nội địa. Động thái này khiến thị trường lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thực vật trên toàn cầu sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Indonesia hiện là quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới và dầu cọ là loại dầu thực vật được sử dụng nhiều nhất trong công nghiệp chế biến thực phẩm trên thế giới.
Giới quan sát cho biết việc nhiều nền kinh tế tái mở cửa trở lại sau thời gian dài áp dụng các biện pháp phong toả đã khiến nhu cầu sử dụng thực phẩm cũng như nhiên liệu sinh học tăng vọt; trong khi đó, nguồn cung lại gặp nhiều thách thức. Mặc dù nhiều nhà máy ép dầu trên thế giới đã lên kế hoạch nâng công suất sản xuất nhưng hầu hết phần công suất bổ sung sẽ chỉ đi vào hoạt động nhanh nhất trong vòng 1 năm nữa.
Trong những tuần gần đây, giá các loại dầu thực vật đã tăng mạnh khi hoạt động xuất khẩu dầu hạt hướng dương của Ukraine bị đứt gãy vì cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine và hạn hán tại Argentina khiến nước này phải giảm xuất khẩu dầu đậu nành. Ukraine và Argentina là hai quốc gia xuất khẩu dầu thực vật hàng đầu thế giới. Hồi giữa tháng 3 vừa qua, Argentina đã tạm ngưng xuất khẩu dầu đậu nành và khô đậu nành và điều chỉnh tăng mạnh mức thuế xuất khẩu đối với hai mặt hàng này nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa.
Tình trạng căng thẳng nguồn cung dầu thực vật đã đẩy giá dầu đậu nành trên thị trường quốc tế tăng gần 50% kể từ đầu năm nay. Nhiều nhà phân tích nhận định việc Indonesia ngưng xuất khẩu dầu cọ sẽ là cú sốc đáng kể đối với thị trường khi rất nhiều quốc gia đang phụ thuộc mạnh vào dầu cọ để giải quyết việc thiếu hụt nguồn cung dầu hạt hướng dương, dầu hạt cải và dầu đậu nành.
Giá dầu thực vật tăng cao cũng sẽ đẩy giá lương thực, thực phẩm trên toàn cầu tiếp tục tăng mạnh. Dữ liệu của Tổ chức Lương thực và Nông Liên Hợp Quốc (FAO) cho thấy chỉ số giá thực phẩm toàn cầu trong tháng 3 đã tăng gần 13% lên mức cao kỷ lục trong bối cảnh xung đột quân sự Nga – Ukraine khiến nguồn cung ngũ cốc và dầu thực vật bị đứt gãy.
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung thực phẩm, nhiều quốc gia ưu tiên thị trường nội địa và hạn chế xuất khẩu, động thái có thể làm trầm trọng thêm mối đe dọa đối với an ninh lương thực thế giới. Ngân hàng Thế giới cảnh báo thế giới đang đối mặt một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu mới và cuộc khủng hoảng này có thể kéo dài đến năm 2023.