Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/4 (theo giờ địa phương), giá ngô giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) tăng 0,86% lên 7,90 USD/giạ (25,4 kg/giạ). Giá đậu tương giao tháng 5/2022 tăng 0,37% lên 16,82 USD/giạ (27,2 kg/giạ); trong khi đó, giá lúa mì giao tháng 5/2022 chịu áp lực giảm 1,53% xuống mức 10,96 USD/giạ (27,2 kg/giạ).
Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, cho biết giá các loại ngũ cốc được giao dịch chính trên sàn CBOT đã biến động trái chiều trong tuần vừa qua trước nhiều thông tin khác nhau. Giá ngô được nâng đỡ tích cực từ việc Chính phủ Hoa Kỳ cho phép bán xăng sinh học với tỷ lệ pha trộn ethanol lên tới 15% trong mùa hè năm nay. Trong khi đó, dữ liệu xuất khẩu cho thấy lúa mì của Hoa Kỳ kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế đã khiến giá lúa mì giảm xuống.
Đối với mặt hàng ngô, Chính phủ Hoa Kỳ đã cho phép bán xăng sinh học E15 kể từ ngày 1/6 – 15/9 – mùa cao điểm di chuyển và tiêu thụ nhiên liệu tại Hoa Kỳ. Thông thường, xăng E15 vốn có tỷ lệ pha trộn ethanol lên tới 15% không được phép tiêu thụ vào mùa hè vì các ảnh hưởng đến môi trường. Hầu hết xăng tại Hoa Kỳ chỉ được pha trộn 10% ethanol.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí năng lượng ở mức cao kỷ lục và lạm phát tại Hoa Kỳ ở mức cao nhất 40 năm trở lại đây, Chính phủ Hoa Kỳ đã buộc phải cho phép “tạm thời” sử dụng xăng E15 trong mùa hè năm nay. Quyết định này sẽ giúp gia tăng đáng kể nhu cầu sử dụng ngô để sản xuất ethanol tại Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo nhu cầu sử dụng ngô tại Hoa Kỳ sẽ tăng mạnh thêm 15 – 45 triệu giạ. Trong khi đó, lượng ngô tồn kho đầu niên vụ 2021/2022 của nước này hiện thấp hơn tới 42% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Thị trường hiện cũng tập trung quan sát diễn biến đình công của các lái xe tải chở ngũ cốc tại Argentina nhằm đánh giá rủi ro đứt gãy nguồn cung ngũ cốc từ nước này. Hiện cuộc đình công chưa gây thiệt hại đến xuất khẩu ngũ cốc của Argentina do lượng hàng dự trữ tại các cảng xuất khẩu tương đối lớn. Nhưng giới quan sát cảnh báo cuộc đình công cần chấm dứt trong 3 – 4 ngày tới nếu không thị trường toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Argentina hiện là quốc gia xuất khẩu khô đậu tương, dầu đậu nành và ngô hàng đầu thế giới với tỷ trọng lần lượt chiếm 41,3%, 47,4% và 19,8% tổng nguồn cung toàn cầu.
Đối với mặt hàng đậu tương, hãng nghiên cứu thị trường Safras & Mercado (Brazil) cho biết tính đến ngày 11/4 thì lượng đậu tương của Brazil được bán ra trong niên vụ 2021/2022 đạt 70,74 triệu tấn, tương đương 56,6% tổng sản lượng dự kiến của niên vụ này. Con số này thấp hơn mức 57,4% của trung bình trong 5 năm qua và thấp hơn nhiều so với mức 67,4% của cùng kỳ niên vụ trước.
Hãng Safras & Mercado cũng cho biết lượng đậu tương của Brazil trong niên vụ 2022/2023 đã có khách hàng đặt mua chỉ chiếm khoảng 9,8% tổng sản lượng dự kiến của niên vụ. Trong khi đó, con số này của cùng kỳ niên vụ trước là 14% và mức trung bình trong 5 năm qua là 17,8%.
Đối với mặt hàng lúa mì, dữ liệu cho thấy lượng lúa mì niên vụ 2021/2022 của Hoa Kỳ được bán ra trong tuần này chỉ đạt 96.100 tấn, giảm tới 39% so với tuần trước và thấp hơn rất nhiều so với mức kỳ vọng 100.000 – 250.000 tấn của giới phân tích. Điều này có thể cho thấy lúa mì Hoa Kỳ không hoàn toàn được hưởng lợi từ cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.
Xung đột quân sự Nga – Ukraine đã gây ra sự đứt gãy nguồn cung lúa mì trên toàn cầu, buộc hàng loạt quốc gia phải tìm kiếm nguồn cung lúa mì hoặc các mặt hàng thay thế và đẩy giá lương thực trên toàn cầu tăng mạnh. Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Chương trình Lương thực Liên Hiệp Quốc (WFP) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã ra tuyên bố chung kêu gọi các nước cùng phối hợp để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường hàng hoá tại đây.
Trong khi đó, Nga tiếp tục điều chỉnh tăng mạnh thuế suất thuế xuất khẩu lúa mì của nước này đối với các lô hàng xuất khẩu từ ngày 20 – 26/4 lên mức 110,70 USD/tấn, tăng 9% so với mức thuế suất gần nhất. Giá lúa mì trung bình 7 ngày tại Sở giao dịch hàng hoá Moscow (MOEX) hiện ở mức 358,20 USD/tấn, tăng mạnh 4% tương đương 13,30 USD/tấn so với tuần trước.
Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa.
- Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
- Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
- Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.
- Website: https://saigonfutures.com
- Hotline: 0903.352.961