Giá dầu thô thế giới giảm mạnh sau khi Thượng Hải phong tỏa từng phần vì dịch Covid-19

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 28/3, giá dầu thô thế giới đã giảm mạnh sau khi Thượng Hải – thành phố lớn nhất Trung Quốc với 25 triệu dân thông báo sẽ áp lệnh phong toả từng phần nhằm kiểm chế đợt bùng phát Covid-19 do biến chủng Omicron.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Cụ thể, vào lúc 9h30 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5/2022 giảm 2,75% xuống còn 117,13 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2022 giảm 3,50% xuống còn 110,40 USD/thùng.

Theo thống báo của chính quyền thành phố Thượng Hải, toàn bộ 25 triệu người dân tại đây được yêu cầu ở nhà, trừ những người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ quan trọng. Toàn bộ các nhà máy, cơ sở sản xuất và hệ thống giao thông công cộng được yêu cầu ngưng hoạt động. Thượng Hải là thành phố lớn nhất Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế khu vực và thế giới. Hiện chính quyền Thượng Hải chưa đề cập đến tác động của lệnh phong toả lần này với hoạt động tại  cảng, đường hàng không, đường sắt đến và đi từ Thượng Hải.

Giới đầu tư toàn cầu hiện lo ngại các biện pháp phong toả tại thành phố này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Ông Kazuhiko Saito, trưởng ban phân tích tại hãng chứng khoán Fujitomi Securities Co.Ltd (Nhật Bản), nhận định “Việc thành phố Thượng Hải bị phong toả đã kích hoạt làn sóng bán tháo của một bộ phận giới đầu tư vốn cho rằng Thượng Hải sẽ không bị áp dụng các biện pháp phỏng toả mạnh”.

Từ trước đến nay, Thượng Hải đã tránh áp dụng các biện pháp phong toả hoàn toàn. Chính quyền thành phố cho biết họ phải giữ cho cảng và trung tâm tài chính này hoạt động vì lợi ích của nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu. Tuy nhiên, vì những biện pháp hiện nay chưa thể giúp kiềm soát sự lây lan dịch bệnh nên thành phố này buộc phải phong toả từng phần nhằm hạn chế dịch bệnh bùng phát.

Trung Quốc hiện kiên trì theo đuổi chính sách "Không Covid" và hàng chục triệu người dân nước này đang sống dưới các lệnh phong tỏa. Số ca Covid-19 mới tại Trung Quốc không đáng kể so với toàn cầu, nhưng là mức cao nhất được ghi nhận trong hơn hai năm qua tại nước này.

Tác động tiêu cực từ việc Thượng Hải phong toả lên giá dầu thô phần nào được giảm nhẹ khi thị trường vẫn lo ngại tình trạng đứt gãy nguồn cung từ Nga và khu vực Trung Đông có thể trở nên căng thẳng hơn.

Cuối tuần trước, phiến quân Houthi tại Yemen đã tấn công các cơ sở năng lượng của Ả-rập Xê-út và gây thiệt hại cho một số kho chứa dầu của tập đoàn dầu quốc gia Saudi Aramco. Trong khi đó, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn chưa dấu hiệu hạ nhiệt. Tính chung cả tuần giao dịch trước, giá dầu thô Brent đã tăng mạnh hơn 11,5% và giá dầu thô WTI tăng 8,8%.

Hiện giới đầu tư tập trung quan sát diễn biến phiên họp của liên minh OPEC+ vào ngày 29/3 tới đây. Ông Kazuhiko Saito nhận định liên minh OPEC+ khó có khả năng đẩy nhanh việc tăng thêm sản lượng sản xuất và giá dầu thô sẽ sớm xác lập xu hướng tăng giá trở lại vào cuối tuần này.

Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện vẫn kiên quyết chỉ nâng thêm sản lượng khai thác ở mức 400.000 thùng/ngày/tháng bất chấp nhiều quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn như Hoa Kỳ liên tục gây sức ép, yêu cầu nâng thêm sản lượng để hạ nhiệt giá dầu thô.

Tường Vy