Vào lúc 10h30 sáng nay ngày 13/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 tiếp tục tăng 0,49% lên 73,30 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2021 cũng tăng 0,56% lên 70,11 USD/thùng, chạm mức cao nhất trong vòng 1 tuần trở lại đây.
Giá dầu thô hiện được nâng đỡ nhờ lo ngại đứt gãy nguồn cung dầu thô từ khu vực Vịnh Mexico của Hoa Kỳ sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Phần lớn các cơ sở khai thác dầu thô ngoài khơi Vịnh Mexico đã buộc phải ngưng hoạt động khi siêu bão Ida đổ bộ vào khu vực này kể từ ngày 29/8.
Việc khôi phục hoạt động của các giàn khoan diễn ra chậm do siêu bão gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Hiện sản lượng khai thác dầu thô từ khu vực Vịnh Mexico chỉ đạt 25% so với thông thường; mức sụt giảm sản lượng lên đến 1,4 triệu thùng/ngày. Khu vực Vịnh Mexico hiện chiếm khoảng 17% tổng sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ.
Tập đoàn ngân hàng ANZ (Australia) cho biết hiện nhiều nhà máy lọc hoá dầu lớn tại tiểu bang Louisiana (Hoa Kỳ) đã khôi phục hoạt động khiến nhu cầu sử dụng dầu thô tăng mạnh trở lại. Chính phủ Hoa Kỳ đã phải sử dụng một phần lượng dự trữ dầu thô chiến lược quốc gia để đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho một số khu vực.
Trong tuần trước, Royal Dutch Shell Plc – hãng khai thác dầu khí lớn nhất khu vực Vịnh Mexico đã buộc phải huỷ việc xuất khẩu một số lô hàng do các cơ sở khai thác ngoài khơi bị thiệt hại bởi siêu bão Ida. Giới phân tích nhận định đây có thể là dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu thô từ Vịnh Mexico có thể kéo dài thêm vài tuần nữa.
Tuy nhiên, dữ liệu của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cũng cho thấy số lượng giàn khoan dầu thô hoạt động tại Hoa Kỳ đã liên tục tăng lên trong thời gian vừa qua. Đây là dấu hiệu chỉ báo sản lượng khai thác sẽ gia tăng trong những tuần tới đây.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô Brent đã tăng mạnh 2,06% lên 72,92 USD/thùng; giá dầu thô WTI cũng tăng 2,32% lên 69,72 USD/thùng khi tâm lý thị trường được cải thiện. Giới đầu tư kỳ vọng cuộc điện đàm tích cực giữa Tổng thống Hoa Kỳ ông Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cân Bình trong ngày 10/9 có thể mở ra triển vọng cải thiện quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau nhiều bất đồng sâu sắc.
Hiện thị trường đang tập trung quan sát đánh giá mới nhất về triển vọng nhu cầu dầu thô trong năm 2022 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời các nguồn tin cho biết nhiều khả năng OPEC sẽ hạ dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô của năm sau xuống mức thấp hơn so với các nhận định trước đây.