Giá dầu thô tiếp tục tăng, Hoa Kỳ có thể tung tiếp gói kích thích 1.000 tỷ USD

Giá dầu thô tiếp tục tăng nhẹ nhờ kỳ vọng Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 1.000 tỷ USD, qua đó giúp nhu cầu sử dụng dầu thô tăng lên.
Giàn khoan dầu thô
 Giàn khoan dầu thô hoạt động tại tiểu bang Texas, Hoa Kỳ (Ảnh: Flick)

Chốt phiên giao dịch ngày 27/7, giá dầu thô Brent giao tương lai LCOc1 đã tăng thêm 7 cents lên 43,41 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai CLc1 đã tăng thêm 31 cents lên 41,60 USD/thùng.

Giá dầu thô tăng chủ yếu do thị trường kỳ vọng các biện pháp kích thích kinh tế mới sẽ giúp Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, hồi phục trở lại trước các tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô vẫn bị kìm hãm trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng cùng với đó là tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Hãng tin Reuters cho biết các thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hoà tại Hoa Kỳ sẽ công bố một gói hỗ trợ khắc phục các tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế nước này với quy mô lên tới 1.000 tỷ USD.

Chuyên gia phân tích cấp cao Phil Flynn của hãng chứng khoán Price Futures (Chicago, Hoa Kỳ) nhận định nếu như người tiêu dùng nhận được nhiều tiền hơn thì mức chi cho các loại hàng hoá và dịch vụ sẽ tăng lên, điều này sẽ kéo theo sự gia tăng nhu cầu sử dụng xăng dầu khi các hoạt động di chuyển và mua sắm tăng lên.

Giá dầu thô cũng được hỗ trợ phần nào khi đồng USD suy yếu khiến các loại hàng hoá được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và khuyến khích giới đầu tư gia tăng nắm giữ. Chỉ số Dollar Index.DXY - đo lường sự biến động của đồng USD so với các đồng tiền chính khác trên thế giới đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6/2018 trong bối cảnh thị trường nội địa Hoa Kỳ đối mặt nhiều thách thức kinh tế nghiêm trọng và mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên, giá dầu thô vẫn bị kìm hãm khi giới đầu tư lo ngại sự gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu, tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô. Hoa Kỳ đã đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston; Trung Quốc cũng tiến hành trả đũa bằng việc đóng cửa Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Thành Đô. Sự gia tăng các rủi ro địa chính trị cũng khiến giới đầu tư chuyển hướng dòng tiền từ các loại hàng hoá có độ rủi ro cao, bao gồm dầu mỏ, sang  các loại hàng hoá có mức độ an toàn cao hơn như vàng và các loại trái phiếu.

Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới với số ca nhiễm bệnh mới trên toàn cầu đã vượt qua con số 16 triệu ca và nhiều địa phương tại Hoa Kỳ đang đối mặt với đợt bùng phát dịch lần 2 nghiêm trọng.

Mặc dù giá dầu thô đã tăng mạnh trong quý 2 vừa qua, tuy nhiên nguy cơ tái áp đặt các biện pháp phong toả nhằm phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid-19 khiến sự phục hồi của giá dầu thô trở nên bất định. Giá dầu thô Brent hiện vẫn đang hướng đến tháng tăng giá thứ 4 liên tiếp và giá dầu thô WTI đang ghi nhận tháng tăng giá thứ 3 liên tiếp nhờ việc liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh, gồm Nga cắt giảm mạnh sản lượng khai thác.

Quang Đặng (Theo Reuters)