Giá dầu thô vượt mạnh ngưỡng 85 USD/thùng, hướng đến đỉnh giá mới

Trong phiên giao dịch chiều ngày 18/10, giá dầu thô thế giới tiếp tục duy trì xu hướng tăng lên, chạm ngưỡng giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây khi thị trường ngày càng lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô trong những tháng cuối năm nay.
Giá dầu thô
Diễn biến giá dầu thô từ ngày 20/9 - 18/10/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 16h30 chiều nay ngày 18/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 12/2021 đã tăng 0,9% lên 85,59 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 11/2021 tăng mạnh 1,29% lên 83,34 USD/thùng. Trong đầu phiên giao dịch, giá dầu thô Brent đã có lúc chạm 86,04 USD/thùng - mức cao nhất kể từ hồi tháng 10/2018 và giá dầu thô WTI chạm ngưỡng 83,73 USD/thùng – mức cao nhất kể từ hồi tháng 4/2014. Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô thế giới đã tăng hơn 3%.

Các chuyên gia phân tích tại tập đoàn ngân hàng ANZ (Australia) cho biết việc nhiều nơi trên thế giới đang tái mở cửa nền kinh tế sẽ giúp nhu cầu sử dụng dầu thô tăng lên. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi từ sử dụng từ khí tự nhiên sang dầu nhiên liệu trong lĩnh vực sản xuất điện có thể khiến nhu cầu sử dụng dầu thô tăng thêm tới 450.000 thùng/ngày trong quý 4 năm nay, theo ANZ.

Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích cấp cao tại hãng môi giới chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ), cũng cho biết việc Bắc Bán cầu đối mặt với mùa đông giá lạnh tới đây cũng sẽ khiến cho vấn đề thiếu hụt nguồn cung dầu thô trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.

“Trong bối cảnh than, điện và khí tự nhiên đều thiếu hụt đã khiến nhu cầu đối với dầu thô tăng lên trong khi đó sản lượng khai thác dầu thô của liên minh OPEC+ và Hoa Kỳ sẽ khó có thể tăng mạnh”, ông Edward Moya nhận định.

Trong hôm nay, tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Nhật Bản sẽ lên tiếng kêu gọi các quốc gia khai thác dầu thô lớn cần tăng sản lượng khai thác hơn nữa và có các biện pháp để giải quyết tình trạng chi phí năng lượng tăng vọt như hiện nay.

Giới quan sát hiện cảnh báo tốc độ tăng trưởng kinh tế kinh tế quý 3/2021 của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng mất điện diện rộng kéo dài, các tắc nghẽn trong chuỗi logistics và chiến lược phòng dịch Zero-Covid-19 của nước này.

Các dữ liệu mới nhất cho thấy sản lượng lọc hoá dầu hàng ngày trong tháng 9 vừa qua của Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất kể từ hồi tháng 5/2020 do tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu và các biện pháp giám sát ô nhiễm môi trường đối với các nhà máy lọc hóa dầu.

Trong khi đó, dữ liệu của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes (Hoa Kỳ) cho thấy số giàn khoan khai thác dầu thô và khí tự nhiên tại Hoa Kỳ đã tăng thêm tới 10 giàn khoan lên 543 giàn khoan trong tuần trước. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 và là chỉ báo cho thấy nguồn cung dầu thô của Hoa Kỳ sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Quang Đặng