Hoạt động sản xuất thép giảm nghiêm trọng
Cụ thể, sản lượng thép thô trung bình ngày trong tháng 9/2021 của Trung Quốc chỉ đạt 2,515 triệu tấn/ngày, giảm tới 18% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng gang trung bình ngày chỉ đạt 2,206 triệu tấn/ngày, giảm 13% so với hồi tháng 9/2020.
Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) cho biết ở vùng thượng nguồn, các nhà máy sản xuất thép dài tại Trung Quốc là đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi tình trạng thiếu điện lan rộng ra nhiều khu vực nước này trong tháng 9 vừa qua. Trong khi đó, sản lượng của các nhà máy thép dẹt chỉ giảm khoảng 20%.
Tuy nhiên, ở vùng hạ nguồn, các nhà máy sản xuất thép dẹt lại là đối tượng chịu tác động mạnh nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng. Thiếu điện đã khiến hoạt động sản xuất chế tạo tại Trung Quốc suy yếu, kéo theo đó là sự sụt giảm mạnh nhu cầu sử dụng các loại thép dẹt. Sẩn xuất chế tạo là lĩnh vực tiêu thụ thép dẹt lớn nhất tại Trung Quốc.
Theo đó, giá thép thanh trên thị trường nội địa Trung Quốc đã tăng tới 13% lên mức 5.915 Nhân dân tệ (tương đương 916 USD)/tấn trong tháng 9 vừa qua; trong khi đó, giá thép cuộn cán nóng chỉ tăng 2% lên mức 5.770 Nhân dân tệ/tấn.
Hãng S&P Global Platts cho biết hoạt động sản xuất thép tại một số khu vực của Trung Quốc như tỉnh Giang Tô, Quảng Đông và Quảng Tây đã có dấu hiệu được cải thiện trong nửa đầu tháng 10 này khi nguồn cung điện được đảm bảo. Dựa trên các nguồn tin thị trường, hãng S&P Global Platts nhận định sản lượng thép của các nhà máy sản xuất thép tại riêng tỉnh Giang Tô trong nửa đầu tháng 10 này đã tăng thêm ít nhất 25.000 tấn/ngày. Hoạt động sản xuất thép tại tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây với các nhà máy sử dụng công nghệ lò hồ quang điện cũng dần được khôi phục.
Tuy nhiên, S&P Global Platts cho biết hầu hết các nhà máy sản xuất thép tại các khu vực trên đều cho biết công suất hoạt động sẽ khó có thể tăng vọt trở lại do các doanh nghiệp cần giữ sản lượng thép trong năm nay tương đương mức của năm 2020 theo yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc. Kể từ giữa tháng 7/2021, Chính phủ Trung Quốc đã nhấn mạnh mục tiêu giữ sản lượng thép thô năm nay của nước này ngang bằng với mức năm ngoái trong nỗ lực cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh đó, truyền thông Trung Quốc vừa cho biết các nhà máy sản xuất thép tại 28 tỉnh, thành phố phía Bắc nước này đã nhận được yêu cầu phải giảm đáng kể hoặc ngưng hoạt động từ ngày 15/10/2021 đến 15/03/2022 nhằm giảm ô nhiễm môi trường khi Thế vận hội mùa Đông 2022 được tổ chức tại Bắc Kinh vào đầu tháng 2/2022.
Nhu cầu sử dụng thép suy yếu
Triển vọng nhu cầu sử dụng thép tại nước này hiện đang ở mức thấp hơn so với năm ngoái và giá thép đang có xu hướng giảm xuống kể từ đầu tháng 10 đến nay. Giá thép thanh và thép cuộn cán nóng đã giảm 2% trong nửa đầu tháng 10, xuống còn lần lượt ở mức 5.875 Nhân dân tệ/tấn và 5.740 Nhân dân tệ/tấn.
Một số thương nhân giao dịch thép tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu cho biết nhu cầu sử dụng thép xây dựng trong tháng 9 và tháng 10 suy yếu hơn so với cùng kỳ năm 2020, thông thường đây sẽ là giai đoạn cao điểm tiêu thụ thép tại Trung Quốc. Các thương nhân cũng cho biết triển vọng tiêu thụ thép trong thời gian tới cũng sẽ kém khả quan do lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn.
Kể từ cuối năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã siết chặt nguồn cung tín dụng cho các dự án phát triển bất động sản tại nước này. Điều này khiến số lượng nhà mới được xây trong 8 tháng đầu năm nay tại Trung Quốc giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với nhu cầu sử dụng thép dẹt, S&P Global Platts cho biết nhu cầu sử dụng thép của lĩnh vực sản xuất chế tạo đã suy yếu mạnh kể từ tháng 9 đến nay do tình trạng mất điện diện rộng và giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Dự báo sản lượng lẫn nhu cầu sử dụng thép dẹt của Trung Quốc trong quý 4/2021 sẽ ở mức kém khả quan.