Giá dầu thô xác lập tuần tăng giá thứ 6 liên tiếp, chạm mức cao nhất kể từ năm 2014

Giá dầu thô Brent chốt phiên giao dịch cuối tuần này trên ngưỡng 90 USD/thùng, chạm mức cao nhất kể từ hồi tháng 10/2014 do lo ngại thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng trong ngắn hạn.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này ngày 28/1 (theo giờ Hoa Kỳ), giá dầu thô Brent giao tháng 3/2022 đã tăng 69 cents lên 90,03 USD/thùng; trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent chạm mức 91,70 USD/thùng – mức cao nhất kể từ hồi tháng 10/2014. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 21 cents lên 86,82 USD/thùng, tiệm cận mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

Tính chung cả tuần giao dịch này, giá dầu thô Brent đã tăng tới 4,3% và giá dầu thô WTI tăng 4,2%, xác lập tuần tăng giá thứ 6 liên tiếp – mạch tăng giá dài nhất kể từ hồi tháng 10/2021 đến nay.

giá dầu thô Brent
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Đà tăng nóng của giá dầu thô đang tiếp tục được củng cố bởi lo ngại thị trường sẽ thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng khi căng thẳng địa chính trí giữa Nga – Ukraine và tại khu vực Trung Đông liên tục leo thang. Đồng thời, các dữ liệu cho thấy phần công suất dự phòng của nhiều quốc gia khai thác dầu thô lớn như Nga, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và Ả-rập Xê-út liên tục sụt giảm mạnh, khiến việc nâng sản lượng khai thác gặp nhiều thách thức.

Tình trạng khan hiếm nguồn cung trong ngắn hạn đã khiến hiện tượng “bù hoãn bán” (backwardation) trên thị trường giao dịch dầu mỏ tương lai xuất hiện. Giá hợp đồng dầu thô Brent giao tháng 3/2022 hiện cao hơn tới 6,92 USD/thùng so với mức giá hợp đồng giao tháng 9/2022. Đây là mức chênh lệch cao nhất kể từ năm 2013, phản ánh thị trường lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn ở mức nghiêm trọng.

Nhiều tổ chức kinh tế lớn trên thế giới như Bank of America, Goldman Sachs và JPMorgan đã nâng dự báo giá dầu thô Brent có thể đạt mức 100 USD/thùng, thậm chí 125 USD/thùng trong năm nay. Nhu cầu sử dụng nhiên liệu toàn cầu được nhận định sẽ phục hồi về mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào cuối năm nay. Làn sóng lây nhiễm mới do biến chủng Covid-19 Omicron gây ra hiện có tác động yếu hơn đến đà phục hồi nhu cầu sử dụng dầu so với các dự báo trước đây.

Trong khi đó, mức công suất dự phòng của liên minh OPEC+ trong mùa hè này được dự báo sẽ chạm mức thấp nhất kể từ cuối năm 2018. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út dẫn đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện đang kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích nhận định giá dầu mỏ hiện đang tăng quá nóng và các rủi ro đứt gãy nguồn cung đã được phản ánh vào mức giá hiện tại. Ông Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích tại tập đoàn ngân hàng UBS (Thuỵ Sĩ), cho biết “Tính đến thời điểm hiện tại, nguồn cung năng lượng cho khu vực Đông Âu từ Nga vẫn chưa bị gián đoạn, do đó việc tăng giá dựa trên rủi ro châu Âu bị đứt gãy nguồn cung năng lượng từ Nga sẽ không quá cao”.

Mặt khác, ông Matt Smith, giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hoá tại hãng dữ liệu ClipperData (Hoa Kỳ), nhận định “Việc Hoa Kỳ áp dụng cách tiếp cần mềm mỏng hơn với Nga về vấn đề Ukraine có thể khiến đà tăng nóng lần này của giá dầu thô hạ nhiệt. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì các căng thẳng địa chính trị đem lại nhưng rủi ro không chắc chắn đối với nguồn cung năng lượng, giá dầu thô đang tiếp tục tăng lên”.

Hiện thị trường tập trung quan sát diễn biến phiên họp của liên minh OPEC+ vào ngày 2/2 tới đây. Hãng tin Reuters dẫn lời một số nguồn tin cho biết OPEC+ khả năng cao sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch nâng sản lượng khai thác trong tháng 3/2022.      

Duy Quang