Vào lúc 11h00 sáng nay ngày 28/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 3/2022 tiếp tục tăng 0,37% lên 89,66 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 0,52% lên 87,06 USD/thùng.
Sau khi giá dầu thô Brent vượt mức 90 USD/thùng – mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây trong phiên giao dịch ngày 26/1 (theo giờ Hoa Kỳ) thì giá dầu thô đã chịu áp lực điều chỉnh giảm nhẹ. Thị trường dần cân bằng giữa rủi ro đứt gãy nguồn cung do các căng thẳng địa chính trị trên thế giới với việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ sớm siết chặt lại chính sách tiền tệ, khiến các kênh đầu tư tài chính như thị trường hàng hoá trở nên kém hấp dẫn hơn.
Hiện tại, thị trường tiếp tục quan sát diễn biến căng thăng giữa Nga và Ukraine nhằm đánh giá rủi ro đứt gãy nguồn cung dầu từ Nga. Nga hiện là quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, Ukraine đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu, việc đứt gãy nguồn cung khí đốt từ Nga có thể buộc châu Âu phải tăng cường tìm kiếm các nguồn cung năng lượng khác, bao gồm dầu thô.
Ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng môi giới giao dịch hàng hoá phái sinh Price Futures Group (Hoa Kỳ), cho biết “Thị trường hiện vẫn phản ứng mạnh với các thông tin về tình hình Nga – Ukraine và giới đầu tư đối mặt với sự không chắc chắn về những gì có thể xảy ra”.
Ở chiều ngược lại, đà tăng của giá dầu thô chịu sự kìm hãm khi FED vừa cho biết có khả năng sẽ nâng lãi suất cơ bản và lên kế hoạch chấm dứt chương trình thu mua trái phiếu vào tháng 3 tới đây nhằm kiềm chế lạm phát tại Hoa Kỳ vốn đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. Điều này đã đẩy đồng USD tăng giá, khiến dầu thô vốn được định giá bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ loại tiền tệ khác.
Giới đầu tư hiện tập trung theo dõi diễn biến phiên họp của liên minh OPEC+ vào ngày 2/2 tới đây. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Hãng tin Reuters dẫn lời một số nguồn tin cho biết liên minh OPEC+ có thể sẽ vẫn duy trì kế hoạch nâng sản lượng khai thác trong tháng 3/2022 thêm 400.000 thùng/ngày như kế hoạch đã đề ra.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích chỉ ra rằng liên minh OPEC+ đang dần cạn kiệt phần công suất dự phòng, khiến việc nâng thêm sản lượng khai thác khó có thể đạt được. Bên cạnh đó, leo thang xung đột giữa phiến quân Houthi từ Yemen với Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất và Ả-rập Xê-út càng khiến rủi ro đứt gãy nguồn cung từ khu vực Trung Đông tăng lên.