Giá đậu tương có thể tăng lên trong thời gian tới bất chấp vụ thu hoạch mới đang đến gần

Tính chung cả tuần trước, giá đậu tương giao tháng 11/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã tăng 2,39%. Giới quan sát nhận định giá đậu tương đang bước vào giai đoạn tích luỹ để thoát khỏi vùng giá thấp vốn kéo dài trong vài tuần gần đây.
Giá đậu tương
 Diễn biến giá đậu tương giao tháng 11/2021 trên sàn CBOT trong vòng 6 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Barchart.com)

Sau khi đạt mức cao lịch sử hồi đầu tháng 6/2021, giá đậu tương Hoa Kỳ đã giảm xuống và giao dịch trong khoảng từ 12,50 USD – 14,50 USD/giạ (27,2 kg/giạ đậu tương). Vào lúc 15h00 chiều nay ngày 30/8 (theo giờ Việt Nam), giá đậu tương giao tháng 11/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đạt 13,18 USD/giạ.

Tính chung cả tuần trước, giá đậu tương giao tháng 11/2021 trên sàn CBOT đã tăng 2,39%; trở thành một trong những loại nông sản có mức tăng cao nhất trong tuần vừa qua. Giới quan sát nhận định giá đậu tương đang bước vào giai đoạn tích luỹ để thoát khỏi vùng giá thấp vốn kéo dài trong vài tuần gần đây.

Dữ liệu tổng hợp của Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn phái sinh hàng hoá tại Việt Nam, cho thấy tính đến tuần kết thúc vào ngày 23/08, diện tích canh tác đậu tương tại Hoa Kỳ được đánh giá có chất lượng tốt đến tuyệt vời chỉ đạt 56%, giảm nhẹ so với mức 57% của 1 tuần trước đó và thấp hơn nhiều so với mức 69% của cùng kỳ năm trước. Tiến độ sinh trưởng của cây trồng như ra hoa, tạo vỏ và rụng lá cũng đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường hiện tập trung theo dõi các dự báo về năng suất và sản lượng đậu tương niên vụ 2021/2022 của Hoa Kỳ khi hoạt động thu hoạch sẽ diễn ra trong vòng 2 tháng tới đây. Một số nhà phân tích nhận định nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy năng suất đậu tương của Hoa Kỳ niên vụ mới thấp hơn mức dự báo 50 giạ/mẫu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) thì giá trên thị trường sẽ được đẩy lên cao. Hiện tượng khô hạn đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động canh tác đậu tương tại nước này trong giai đoạn đầu niên vụ, kéo theo đó là những rủi ro trong nguồn cung đậu tương trên toàn cầu.

Trong bối cảnh lượng tồn trữ đậu tương tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ suy giảm, các chuyên gia phân tích kỳ vọng người dùng cuối (end-users) sẽ đẩy mạnh mua đậu tương vào khi vụ thu hoạch đang đến gần nhằm đảm bảo lượng tồn trữ cho dù giá đậu tương hiện vẫn ở mức tương đối cao so với mức trung bình các năm trước. Qua đó, đẩy giá đậu tương trên thị trường tăng lên trong thời gian tới. 

Thông thường, giá đậu tương sẽ có xu hướng suy giảm trong thời gian diễn ra thu hoạch do nguồn cung trên thị trường trở nên dồi dào. Tuy nhiên, trong năm nay, các trang trại tại Hoa Kỳ đã có mức lợi nhuận tốt ngay từ đầu mùa hè khi giá đậu tương ở mức cao do đó họ sẽ chỉ bán một phần lượng thu hoạch tới đây và phần còn lại sẽ được cất trữ để đưa ra thị trường khi có mức giá tốt.

Điều này sẽ giúp điều tiết nguồn cung trên thị trường trong vụ thu hoạch năm nay. Bên cạnh đó, giá đậu tương cũng được hỗ trợ từ việc giá các loại nông sản trên toàn cầu có xu hướng đạt mức cao kỷ lục trong năm nay.

Đậu tương Trung Quốc
Diễn biến tồn kho đậu tương, khô đậu tương, dầu đậu tương và sản lượng ép dầu đậu tương tại Trung Quốc tính đến ngày 22/8/2021 (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Mặt khác, tình trạng khô hạn tại Canada đã khiến nguồn cung dầu hạt cải của nước này trong năm nay xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Qua đó, đẩy giá dầu đậu tương lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, kích thích các hãng ép dầu đậu tương tăng cường sản xuất. Ngoài ra, ngành chăn nuôi lợn tại Trung Quốc đã phục hồi trở lại hoàn toàn sau đợt dịch tả lợn Châu Phi hồi năm 2019. Điều này sẽ giúp nhu cầu sử dụng đậu tương trong sản xuất thức ăn chuôi tại nước này tăng lên.

Về phía nguồn cung, hiện tượng thời tiết La Nina có thể khiến các quốc gia gieo trồng đậu tương lớn tại Nam Mỹ như Brazil và Argentina đối mặt với tình trạng khô hạn, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung đậu tương từ hai nước này. Argentina hiện là quốc gia xuất khẩu khô đậu tương lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Brazil hiện là quốc gia cung ứng đậu tương lớn nhất cho Trung Quốc.

Giới phân tích cũng cho biết việc giá ngô tăng vọt tại Brazil và Argentina có thể khuyến khích nông dân tại những nước này thu hẹp diện tích canh tác các loại cây trồng khác, bao gồm cả đậu tương để mở rộng hoạt động gieo trồng ngô.

Tại Hoa Kỳ, USDA dự báo lượng tồn kho đậu tương vào cuối niên vụ 2021/2022 đạt 155 triệu giạ. Trong trường hợp nhu cầu sử dụng đậu tương không thay đổi, nếu năng suất đậu tương niên vụ 2021/2022 chỉ cần giảm 1 giạ/mẫu thì lượng tồn kho vào cuối niên vụ sẽ chỉ còn đạt 75 triệu giạ - mức thấp nhất lịch sử.  

Quang Đặng