Vào lúc 10h26 sáng nay (ngày 19/5, theo giờ Việt Nam), giá đậu tương theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã giảm 0,1% xuống 8,44 USD/giạ (27,2 kg). Trong đầu phiên giao dịch, giá đậu tương trên sàn CBOT đã có lúc chạm mức 8,48-1/2 USD/giạ - mức cao nhất kể từ ngày 13/5/2020.
Giá đậu tương điều chỉnh giảm nhẹ sau khi giá dầu thô giảm xuống trong phiên giao dịch, qua đó khiến giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nhiên liệu sinh học chịu áp lức giảm theo. Giá đậu tương hiện đang được nâng đỡ nhờ các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang có nhu cầu thu mua lượng lớn đậu tương và diện tích canh tác đậu tương của Hoa Kỳ thấp hơn so với dự báo của giới chuyên gia.
Cụ thể, hãng tin Reuters cho biết Trung Quốc đang yêu cầu các doanh nghiệp giao dịch và chế biến thực phẩm tăng cường dự trữ các loại ngũ cốc và hạt có dầu bao gồm ngô và đậu tương trong bối cảnh lo ngại nguy cơ đại dịch Covid-10 có thể bùng phát lần hai, đồng thời, số ca nhiễm bệnh mới tại một số quốc gia đang tăng trở lại khiến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu có thể tiếp tục bị đứt vỡ nghiêm trọng.
Các dữ liệu mới được Chính phủ Trung Quốc công bố cho thấy nước này đã nhập khẩu tới 8,8 triệu tấn đậu tương từ Brazil chỉ trong 2 tuần đầu tiên của tháng 5/2020, ánh nhu cầu thu mua đậu tương của Trung Quốc hiện vẫn ở mức cao. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết tính tới Chủ nhật tuần trước (ngày 17/5), đã có 53% diện tích canh tác đậu tương của nước này được xuống giống, thấp hơn mức dự báo 56% được giới phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đưa ra.
Trong khi đó, giá lúa mì trên sàn CBOT tăng 0,2% lên 4,98 USD/giạ (27,2 kg) chủ yếu do giới đầu tư đẩy mạnh mua vào khi giá lúa mì chạm mức thấp nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây. Giá ngô trên sàn CBOT được giữ tại mức 3,20-3/4 USD/giạ (25,4 kg).