Cổ phiếu gạo "nổi sóng" theo đà tăng của giá gạo xuất khẩu
Xuất khẩu gạo là chủ đề “nóng” trong hai tuần trở lại đây sau khi Ấn Độ đột ngột cấm xuất khẩu gạo tẻ - loại gạo chiếm đến 80% lượng gạo xuất khẩu thông thường của nước này vào ngày 20/7, khiến giá gạo trên toàn cầu tăng vọt.
Các khách hàng trên toàn cầu hiện ráo riết tìm kiếm các nguồn cung gạo thay thế Ấn Độ, đổ dồn vào Thái Lan và Việt Nam – hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cho biết giá gạo xuất khẩu đang “tăng lên theo từng ngày” và cùng chung nhận định “chưa biết giá sẽ tăng đến mức nào”.
Tính đến cuối tuần trước, giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã lên tới 618 USD/tấn - mức giá cao nhất kể từ cơn sốt giá gạo lịch sử năm 2008. Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4,2 triệu tấn gạo với tổng kim ngạch 2,2 tỷ USD, tăng hơn 21% về lượng và tăng hơn 32% về kim ngạch.
Trong bối cảnh này, nhóm cổ phiếu gạo trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư. Tính từ ngày 20/7, các cổ phiếu gạo như: cổ phiếu VSF của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam – Vinafood 2, cổ phiếu TAR của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An), cổ phiếu LTG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, cổ phiếu AGM của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex)… đều bật tăng mạnh, với mức tăng cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung của thị trường.
Cổ phiếu gạo tăng 250% chỉ trong 10 phiên giao dịch
Đáng chú ý, chỉ trong 10 phiên giao dịch gần nhất (tính từ ngày 21/7 đến ngày 4/8), cổ phiếu VSF của Vinafood 2 trên sàn UPCoM đã ghi nhận mức tăng lên tới 250%. Trong đó, cổ phiếu gạo này đã có 9 phiên tăng trần hoặc gần kịch trần (14% - 15%/phiên) với thanh khoản bình quân tăng vọt lên mức hàng trăm nghìn đơn vị, so với mức chỉ vài nghìn đơn vị như thông thường.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/8, thị giá cổ phiếu VSF đạt 28.500 đồng/cổ phiếu, tăng gấp 6,6 lần so với thời điểm đầu năm nay. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ khi cổ phiếu VSF được niêm yết giao dịch trên sàn UPCoM vào tháng 4/2018 đến nay.
Giải trình trước Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về việc giá cổ phiếu VSF tăng trần 5 phiên liên tục từ ngày 31/7, lãnh đạo Vinafood 2 cho biết giá cổ phiếu công ty tăng hoàn toàn phụ thuộc vào cung – cầu thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu của nhà đầu tư. Vinafood 2 nhấn mạnh “Công ty không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường”.
Vinafood 2 hiện là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam, chiếm hơn 14% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong năm 2022. Xét về kết quả kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Vinafood 2 ghi nhận 11.337 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 58% so với cùng kỳ, và lãi ròng gần 10 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, phần lớn lợi nhuận của Vinafood 2 tập trung trong quý 2/2023 – giai đoạn giá gạo xuất khẩu bứt tốc rõ rệt.
Kể từ năm 2013 đến 2021, doanh nghiệp này liên tục chìm trong thua lỗ kéo dài. Mạch thua lỗ này chỉ được ngắt vào năm 2022 khi Vinafood 2 ghi nhận khoản lãi hơn 21 tỷ đồng. Hiện Vinafood 2 đang tập trung triển khai đề án tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp không hiệu quả, mất vốn, và quyết toán cổ phần hoá Tổng Công ty.
Tương tự, cổ phiếu AGM của Angimex trên sàn HoSE đã tăng 100% trong 10 phiên giao dịch gần nhất, đạt 11.850 đồng/cổ phiếu. Angimex là một trong những doanh nghiệp đứng đầu cả nước về xuất khẩu gạo với năng lực sản xuất khoảng 250.000 tấn/năm. Xét về cơ cấu thị trường, xuất khẩu gạo đóng góp 61% tổng doanh thu kinh doanh gạo của công ty, với các thị trường chính là châu Á, Trung Đông và châu Mỹ.
Tuy nhiên, bất chấp giá gạo xuất khẩu liên tục tăng cao, kết quả kinh doanh nửa đầu năm của Angimex ở mức kém tích cực. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Angimex ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 322,3 tỷ đồng, giảm 86,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh thu của doanh nghiệp này chủ yếu đến từ hoạt động bán xe máy, phụ tùng, dịch vụ sửa chữa; doanh thu bán hàng lương thực giảm sút 96,7% còn 71 tỷ đồng.
Giải trình trước Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về việc giá cổ phiếu AGM tăng trần 5 phiên liên tục từ ngày 24/7 đến ngày 28/7, Angimex cho biết, thị trường lúa gạo Việt Nam đang biến động tăng giá do hiện tượng El Nino và lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng của Ấn Độ đã làm gia tăng kỳ vọng của nhà đầu tư. Do cung cầu trên thị trường chứng khoán, các quyết định giao dịch của nhà đầu tư dẫn đến giá cổ phiếu AGM tăng trần 5 phiên liên tiếp, nằm ngoài kiểm soát của công ty và Angimex không có sự tác động nào đến giá giao dịch của phiếu AGM.