Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tuần này tiếp tục tăng mạnh, có loại gạo đã vượt xa giá Thái Lan

Tính đến cuối tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh so với cuối tuần trước, thậm chí có loại gạo đã vượt xa giá gạo xuất khẩu cùng phẩm cấp của Thái Lan.

Giá gạo xuất khẩu tăng 21% chỉ trong 1 tháng  

Giá gạo xuất khẩu Tạp chí Công Thương
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đã lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2008 đến nay.

Giá gạo xuất khẩu của các nước châu Á tiếp tục duy trì đà tăng mạnh trong tuần qua trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu lương thực tiếp tục ở mức cao. Tính đến cuối tuần này, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 638 USD/tấn, tăng thêm 20 USD/tấn so với cuối tuần trước.

So với cách đây 1 tháng thì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 21%; hiện giá đang ở mức cao nhất kể từ hồi tháng 7/2008 - thời điểm cũng xảy ra sốt giá gạo lịch sử. Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại phía Nam nhu cầu nhập khẩu gạo hiện nay vẫn đang ở mức cao.

Tuy nhiên, các chuyên gia ngành hàng nhận định lợi thế đang thuộc về những doanh nghiệp nào có sẵn nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng này, còn các doanh nghiệp chưa có sẵn nguồn hàng sẽ đối mặt với rủi ro do dự báo giá gạo xuất khẩu có thể còn lên cao hơn nữa và các thay đổi bất ngờ trên thị trường gạo thế giới.

Giá gạo xuất khẩu Tạp chí Công Thương
Giá gạo xuất khẩu của một số quốc gia châu Á tính đến cuối tuần này. (Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam)

Tương tự tại Thái Lan, vào cuối tuần này, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan được chào bán tại mức 651 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 10/2008, tăng đáng kể so với mức 627-630 USD/tấn trong tuần trước.

Ở phân khúc gạo 25% tấm, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan hiện đạt 587 USD/tấn, tiếp tục thấp hơn mức 618 USD/tấn của Việt Nam.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo có trụ sở tại Bangkok (Thái Lan) cho biết hiện nguồn cung gạo mới trên thị trường Thái Lan rất hạn chế. Doanh nghiệp này cho rằng “có thể nguồn cung gạo vẫn đang còn, nhưng các nhà máy xay xát có thể giữ lại để sau đó bán với giá cao hơn”.

Một thương nhân kinh doanh gạo khác tại Thái Lan cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu nước này cũng báo giá thực tế cao hơn mặt bằng thị trường và một số khách hàng đã chấp nhận mua với mức giá cao này.

Xem thêm: "Vì sao giá gạo xuất khẩu lên cao kỷ lục, lợi nhuận của Gạo Trung An (TAR) vẫn giảm 99%?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ấn Độ có thể sớm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo?

Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ trong tuần này, được chào bán ở mức cao kỷ lục, từ 460 - 467 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 450 - 455 USD/tấn của tuần trước do nhu cầu đối với loại gạo này tăng mạnh sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ.

Đáng chú ý, hiện một số một số chuyên gia và nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ vừa nhận định Chính phủ Ấn Độ có thể sớm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo khi rủi ro nguồn cung từ niên vụ hiện tại đã giảm xuống đáng kể và lượng dự trữ gạo tại nước này đang gấp 3 lần so với quy định.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (AIREA) ông B.V. Krishna Rao cho biết sau khi quá trình thu mua lúa gạo bắt đầu vào tháng 9 – tháng 10 tới đây, Chính phủ Ấn Độ sẽ đánh giá thực tế tình hình nguồn cung cho tới tháng 12 năm nay và có thể xem xét dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ.

Ông B.V. Krishna Rao cũng cho biết lệnh cấm xuất khẩu sẽ làm tăng nguồn cung tại thị trường nội địa Ấn Độ và hạ giá lúa gạo xuống ngang mức giá hỗ trợ do Chính phủ Ấn Độ quy định hoặc mức giá đảm bảo, là 2.183 rupee (26,4 USD)/100 kg, buộc Chính phủ Ấn Độ phải mua thêm lúa gạo từ nông dân, khiến lượng dự trữ gạo của nước này tăng cao hơn mức cần thiết.

Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức của Bộ Thương mại Bangladesh cho biết nước này đang cân nhắc dỡ bỏ các hạn chế về xuất khẩu gạo thơm do dự trữ nội địa tốt và mùa màng đạt kỷ lục.

Duy Quang