Giá heo hơi tăng nhẹ, doanh nghiệp đón sóng khi nguồn cung từ nông hộ giảm

So với đầu tuần, giá heo hơi tăng nhẹ 1.000 - 2.000 đồng/kg, lên khoảng 58.000 - 63.000 đồng/kg. Hiện, nguồn cung từ nông hộ chiếm khoảng 50% thị trường và sẽ tiếp tục giảm trong tương lai. Đây là cơ hội cho chăn nuôi công nghiệp.
Giá heo hơi hôm nay
Tham khảo biến động giá heo hơi tại khu vực miền Bắc tuần qua (19/6 - 25/6/2023)

Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi trong tuần này dao động trong khoảng 60.000 - 63.000 đồng/kg. So với đầu tuần, giá heo hơi tại các tỉnh thành tăng nhẹ một giá, một số ít địa phương giữ nguyên. Trong đó, các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ và Thái Bình đang giao dịch ở mức 63.000 đồng/kg, cao nhất cả nước.

Giá heo hơi hôm nay
Tham khảo biến động giá heo hơi tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên tuần qua (19/6 - 25/6/2023)

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá heo hơi được thu mua ở mức thấp hơn so với khu vực miền Bắc, trong khoảng 58.000 - 62.000 đồng/kg. Tuần qua, giá heo hơi tại khu vực này tăng 1.000 đồng/kg. Tỉnh Thanh Hóa dẫn đầu khu vực, bật tăng từ 60.000 đồng/kg lên 62.000 đồng/kg.

Giá heo hơi hôm nay
Tham khảo biến động giá heo hơi tại khu vực miền Nam tuần qua (19/6 - 25/6/2023)

Tại khu vực miền Nam, giá heo hơi chủ yếu đi ngang tại nhiều địa phương, dao động trong khoảng 58.000 - 60.000 đồng/kg. Duy nhất thành phố Cần Thơ ghi nhận giảm 1.000 đồng/kg, về mức 58.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá heo hơi tại các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng tăng nhẹ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với đầu tuần.

Hiện, thị phần chăn nuôi heo theo quy mô nông hộ đã thu hẹp dần. Trước đây, tỷ trọng chăn nuôi nông hộ chiếm tới 70% nguồn cung thịt heo tuy nhiên con số này giảm xuống còn khoảng 50%. Theo một số doanh nghiệp lớn trong ngành, trong tương lai, tỷ trọng này sẽ tiếp tục giảm xuống còn 20 - 30%. Đây là cơ hội cho chăn nuôi công nghiệp phát triển.

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đang tận dụng cơ hội này, đón sóng chăn nuôi nhỏ lẻ giảm. BaF Việt Nam không hướng tới cạnh tranh gay gắt với phân khúc doanh nghiệp FDI. Nhiều người cho rằng chúng tôi cạnh tranh với FDI nhưng không phải, chúng tôi đang lấy thị phần mà các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Cho đến khi nào lấy hết rồi thì mới thực sự cạnh tranh với phân khúc bên trên”.

Theo ông, không chỉ BaF Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đang tận dụng làn sóng này để giành giật thị phần. Trong kịch bản tỷ trọng các hộ nuôi nhỏ lẻ giảm về 30% thì dư địa để các doanh nghiệp mở rộng thêm đàn tương đương với khoảng 10 triệu con. 

“Trong 7 - 10 năm nữa, cạnh tranh chăn nuôi công nghiệp sẽ rất khốc liệt”, ông Bá nhận định.

Ngọc Châm