Hậu khủng hoảng: Doanh nghiệp khắc phục 3 “vùng lõm”

“Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã chạm đáy, giờ là lúc các doanh nghiệp phải khắc phục 3 “vùng lõm” về hạ tầng, giáo dục và độ sẵn sàng cho công nghệ” – Đó là một trong những hiến kế mà Bà Phạm Ch

Cơ sở hạ tầng là “nút cổ chai”

Cơ sở hạ tầng đã từng được ví sẽ  là “nút cổ chai” của tăng trưởng kinh tế Việt Nam nếu không được nâng cấp nhất là hiện tại nó được coi là “vùng lõm” số 1. Khi quá trình đô thị hóa đã đạt 70 – 80 % đã tạo áp lực về hạ tầng đô thị, nhà ở, văn phòng, giao thông… đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất. Các nhà đầu tư tiềm năng của Mỹ, Nhật và EU đánh giá, tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ sau đó là điểm yếu nhất của Việt Nam hiện nay trong việc thu hút FDI, như: hệ thống cảng biển, đường xá… Nhìn chung đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng còn rất hạn chế nếu có chỉ ở mức dưới mức trung bình, luôn trong tình trạng yếu kém, quy mô nhỏ bé, hầu hết chưa đạt yêu cầu kỹ thuật, năng lực hạn chế, chưa tạo được sự kết nối hoàn chỉnh nhất là về giao thông vận tải.

                Hạ tầng tốt để vươn ra "biển lớn"

Công nghệ quá lạc hậu

Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển trong một thế giới phẳng thì phải giải quyết điều đáng lo ngại là những yếu tố để có thể tận dụng được sự phát triển của khoa học - công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa, thể hiện ở trình độ công nghệ của sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực. TS. Phạm thị Thu Hằng – Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp thuộc VCCI khẳng định: “về cơ bản thì Chính phủ nên đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhưng trong thời kỳ khủng hoảng và hậu khủng hoảng thì nên hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ”.

 

                 Đổi mới công nghệ để hội nhập

Phần lớn các doanh nghiệp nước ta đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2 - 3 thế hệ với 76% máy móc, dây chuyền công nghệ thuộc thế hệ những năm 1960 - 1970, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% là đồ tân trang...; chỉ có 10% doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, 38% ở mức trung bình, 52% thuộc loại lạc hậu và rất lạc hậu; tỷ lệ sử dụng công nghệ cao của Việt Nam hiện mới chỉ đạt khoảng 2%, trong khi đó Thái Lan là 31%, Singapore là 73%, Malaysia 51% (theo tiêu chí để đạt trình độ nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải là trên 60%).

Ðầu tư cho đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,2 - 0,3% doanh thu, một tỷ lệ quá thấp so với các nước trong khu vực như Ấn Ðộ là 5%, Hàn Quốc 10%. Tỷ lệ đổi mới máy móc thiết bị của Việt Nam hàng năm cũng chỉ đạt 8 - 10%, trong khi ở các nước trong khu vực có tỷ lệ tương ứng là 15 - 20%. Riêng về công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện có tới 58% doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam có công nghệ lạc hậu. Về ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh, tuy có đến 60,2% doanh nghiệp sử dụng máy vi tính, nhưng số doanh nghiệp sử dụng mạng nội bộ chỉ là 11,55% và 2,16% doanh nghiệp xây dựng website.

 Trình độ “báo động!”

Chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp thấp, cơ cấu không phù hợp. Theo điều tra của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tại 63.000 doanh nghiệp ở 36 tỉnh, thành phố trong cả nước cho thấy 34,3% lãnh đạo các doanh nghiệp có trình độ học vấn dưới trung học phổ thông. Số chủ doanh nghiệp có trình độ từ thạc sĩ trở lên chỉ là 2,99%. Kết quả điều tra này cũng cho thấy sự thiếu hụt trầm trọng đội ngũ nhân lực bậc cao, các giám đốc điều hành doanh nghiệp.  Theo công ty tư vấn việc làm VietnamWorks thì nguồn nhân lực quản lý cấp cao tại Việt Nam chỉ đáp ứng đượckhoảng 30 - 40% nhu cầu.15 % là tỉ lệ lao động trẻ được đào tạo và rất ít lao động có tay nghề cao (kết qủa khảo sát nguồn nhân lực trong thanh  niên Việt Nam do VCCI công bố ngày 30/6/2009). Như vậy, tỉ lệ đại học và trên đại học - trung học chuyên nghiệp - công nhân kỹ thuật là 1 - 1,13 - 0,92 trong khi tỉ lệ chuẩn quốc tế là 1 -3 – 5.

Tất cả những con số trên đã nói lên “vùng lõm” đáng báo động và doanh nghiệp hoạt động trong môi trường chung của WTO thì  tư duy phải mạnh hơn kinh nghiệm và quy mô không bằng tốc độ. Chính sự thay đổi tư duy và gia tăng tốc độ là tiền đề cho sự bứt phá và giúp ta rút ngắn khoảng cách phát triển và cũng chính sự trì trệ trong tư duy và sự chậm chạp trong hành động làm cho các doanh nghiệp rơi vào vùng lõm . Không có và không thể có một nền kinh tế thị trường hoàn hảo và thuần khiết vì thế “vấn đề của chúng ta là chăm chú theo dõi diễn biến tình hình để sớm nhận ra sự phục hồi sẽ diễn ra trong lĩnh vực nào và ở đâu, từ đó kịp thời tận dụng những cơ hội sẽ mở ra đối với các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung” – Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ  Khoan khẳng định.