Giá nhôm chạm mức cao nhất 10 năm trở lại đây, dự báo nguồn cung nhôm từ Trung Quốc sẽ suy giảm

Giá nhôm trên thị trường quốc tế hiện ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây khi nguồn cung thiếu hụt và nhu cầu tăng mạnh. Giá nhôm tại Trung Quốc chạm mức cao nhất trong 10 năm qua; mức chênh lệch giữa giá nhôm giao ngay và giá nhôm giao kỳ hạn tại Châu Âu và Hoa Kỳ cũng ở mức cao kỷ lục.
Giá nhôm
Giá nhôm tại Châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện ở mức cao kỷ lục khi nhu cầu sử dụng nhôm sắp bước vào mùa cao điểm và nguồn cung nhôm thiếu hụt (Ảnh: Reuters)

Chốt phiên giao dịch ngày 25/8 (theo giờ địa phương), giá nhôm giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,5% lên 2.629 USD/tấn, tiệm cận mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE), giá nhôm giao tháng 10/2021 tăng 1,4% lên 20.705 Nhân dân tệ (tương đương 3.192 USD)/tấn – mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Tính từ đầu năm đến nay, giá kim loại nhôm đã tăng 32%, trở thành kim loại công nghiệp có mức tăng giá cao thứ hai, sau kim loại thiếc, trong nhóm 6 kim loại công nghiệp cơ bản được giao dịch trên sàn LME. Giá nhôm đang có xu hướng tăng cao khi hoạt động sản xuất công nghiệp trên toàn cầu dần phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Giá nhôm trên thị trường giao ngay tại Châu Âu và Hoa Kỳ hiện đều ở mức cao kỷ lục. Hãng tin Reuters cho biết mức chênh lệch giữa giá nhôm giao ngay với giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn LME hiện ở khoảng 360 USD/tấn tại thị trường Châu Âu và lên tới 760 USD/tấn tại thị trường Hoa Kỳ.

Đà tăng của giá nhôm trong những phiên giao dịch gần đây chủ yếu do giới đầu tư kỳ vọng nguồn cung nhôm từ Trung Quốc sẽ giảm xuống trong quý 3 tới đây trong bối cảnh nước này đang siết chặt hoạt động sản xuất nhôm nhằm đạt mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt điện năng nghiêm trọng tại Trung Quốc cũng đang khiến hàng loạt nhà máy luyện kim phải hoạt động cầm chừng. Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất nhôm lớn nhất thế giới và hoạt động tinh luyện nhôm tiêu tốn lượng điện năng lớn.

Mặt khác, giá nhôm còn được hỗ trợ bởi sự cố hoả hoạn nghiêm trọng tại nhà máy luyện đồng Jamalco của chính phủ Jamaica khiến hoạt động sản xuất tại đây bị đình trệ. Sản lượng alumina của nhà máy này có thể đạt đến 1,4 triệu tấn/năm. Dữ liệu của Viện Nhôm Quốc tế (IAI) cho thấy tổng lượng alumina trên toàn cầu trong năm 2020 đạt 134,4 triệu tấn.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nhôm đang dần tăng lên khi mùa cao điểm sử dụng nhôm trong sản xuất đang đến gần. Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết sẽ tiếp tục xả bán lượng lớn các kim loại công nghiệp, bao gồm cả nhôm từ các kho dự trữ chiến lược quốc gia ra thị trường nhằm giữ giá các mặt hàng này ở mức ổn định. Trong 2 phiên giao dịch hồi tháng 7, NDRC đã xả bán ra tổng cộng 50.000 tấn đồng, 140.000 tấn nhôm và 80.000 tấn kẽm.

Giá nhôm cũng đang được đẩy lên cao sau khi Nga áp mức thuế suất 15% hoặc mức tối thiểu 254 USD/tấn đối với nhôm xuất khẩu trong giai đoạn từ tháng 8 – tháng 12/2021. Sản lượng nhôm của Nga chiếm 6% tổng nguồn cung nhôm trên toàn cầu, tương đương 65 triệu tấn trong năm 2020.

Quang Đặng