Trung Quốc đang đối mặt khủng hoảng thiếu điện tồi tệ nhất trong 10 năm trở lại đây khi nhu cầu sử dụng điện tăng vọt vì nắng nóng nhưng nguồn cung không theo kịp trong bối cảnh giá than tăng kỷ lục và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Giới phân tích dự báo tình trạng thiếu điện có thể kéo dài suốt mùa hè này, đe doạ đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại toàn cầu.
Đình trệ sản xuất
Một số khu vực kinh tế quan trọng của Trung Quốc cho biết đang đối mặt với việc thiếu hụt điện năng nghiêm trọng trong những tuần gần đây. Cụ thể, tình trạng thiếu điện đã kéo dài hơn một tháng qua tại tỉnh Quảng Đông. Các doanh nghiệp tại đây phải ngưng hoạt động vài ngày mỗi tuần; một số địa phương thuộc tỉnh Quảng Đông cảnh báo tình trạng luân phiên cắt điện có thể kéo dài cho đến cuối năm nay. Tỉnh Quảng Đông là nơi tập trung nhiều trung tâm sản xuất lớn, đóng góp hơn 10% sản lượng kinh tế (tương đương 1.700 tỷ USD) hàng năm của Trung Quốc.
Không chỉ tỉnh Quảng Đông, ít nhất 9 tỉnh khác thuộc khu vực phía Nam Trung Quốc cho biết đang gặp các vấn đề về năng lượng và buộc phải giới hạn nguồn cung điện, bao gồm Vân Nam, Quảng Tây và trung tâm sản xuất Chiết Giang. Các tỉnh này có tổng diện tích bằng Vương quốc Anh, Đức, Pháp và Nhật Bản cộng lại.
Trong ngày 30/6, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thừa nhận cuộc khủng hoảng thiếu điện là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng hoạt động nhà máy tại nước này suy giảm trong tháng 6 vừa qua. Đây là cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất tại Trung Quốc kể từ năm 2011 – thời điểm hạn hán nghiêm trọng diễn ra và giá than tăng cao buộc 17 tỉnh tại nước này phải hạn chế sử dụng điện.
Nhu cầu sử dụng điện tại Trung Quốc đã tăng vọt khi thời tiết nắng nóng nghiêm trọng khiến nhu cầu làm mát tăng lên. Dữ liệu từ công ty truyền tải điện China Southern Power Grid thuộc Chính phủ Trung Quốc cho thấy tiêu thụ điện khu vực phía Nam nước này trong 5 tháng đầu năm nay đã tăng tới 21% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, nguồn cung điện của nước này, đặc biệt là tại khu vực phía Nam gặp nhiều trở lại. Việc giá than quốc tế ở mức cao kỷ lục như hiện nay khiến nhiều nhà máy điện than tại Trung Quốc gặp khó khăn trong việc nâng sản lượng điện. Việc Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh kiểm soát an toàn tại các mỏ khai thác lớn, nhiều mỏ buộc phải tạm ngưng hoạt động trong thời gian gần đây đã khiến sản lượng than nội địa suy giảm.
Chính phủ Trung Quốc đã cho biết một số nhà máy điện than tại Trung Quốc đang chịu áp lớn buộc phải đóng cửa do chi phí đầu vào tăng cao. Nguồn điện than hiện chiếm đến 60% tổng nguồn cung điện năng của Trung Quốc. Bên cạnh đó, sản lượng điện của các nhà máy thuỷ điện cũng sụt giảm do tình trạng hạn hán nghiêm trọng diễn ra hồi đầu năm nay.
Đe doạ đà phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu
Tình trạng thiếu hụt điện năng có thể làm giảm sản lượng ở hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm cả các ngành sản xuất và xây dựng trọng điểm. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nhu cầu điện năng của các ngành sản xuất và xây dựng trọng điểm sử dụng đến 70% tổng lượng điện trong năm ngoái; đây cũng là các ngành tạo động lực chính cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.
Chengde New Material (Quảng Đông) một trong những nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất của Trung Quốc cho biết sẽ phải ngưng hoạt động 2 ngày mỗi tuần cho đến khi nguồn cung điện được đảm bảo. Dự kiến sản lượng thép của hãng này sẽ giảm khoảng 20% tương đương 10.000 tấn thép/tháng.
"Các doanh nghiệp không hài lòng về điều này", ông Klaus Zenkel, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại khu vực Nam Trung Quốc, cho biết. Theo ông Klaus Zenkel có đến 80 công ty thành viên EuroCham cho biết bị ảnh hưởng bởi việc thiếu hụt điện. Một số công ty đã phải thuê các máy phát điện lớn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại tỉnh Vân Nam, tình trạng thiếu điện đã khiến nguồn cung một số kim loại như nhôm và thiếc sụt giảm. Tỉnh Vân Nam là khu vực cung ứng kim loại công nghiệp quan trọng của Trung Quốc.
Thiếu điện có thể tạo ra một "cú knock-out” đến đà phục hồi kinh tế mong manh của Trung Quốc, đồng thời khiến các chuỗi cung ứng trên toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Ông Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên của hãng tư vấn rủi ro Eurasia Group (Hoa Kỳ), cảnh báo tình trạng thiếu hụt điện năng hiện nay sẽ khiến sản lượng sụt giảm, kéo dài thời gian giao hàng và khiến tình trạng chậm trễ giao hàng của các chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.
Thiếu hụt điện kéo dài
Giá than nhập khẩu tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi so cùng kỳ năm trước. Tình trạng căng thẳng quan hệ chính trị với Australia đang khiến Trung Quốc khó có thể tăng cường nhập khẩu than từ nước này. Khoảng 60% lượng than nhập khẩu của Trung Quốc là đến từ Australia. Nguồn cung than từ các nước khác như Nam Phi và Indonesia khó có thể gia tăng ngay lập tức và đáp ứng nhu cầu sử dụng than ở mức cao của Trung Quốc.
Tình trạng hạn hán nghiêm trọng diễn ra phía Nam Trung Quốc hồi đầu năm nay đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các nhà máy thuỷ điện. Trong khi đó, thời tiết nắng nóng đang khiến nhu cầu sử dụng điện để làm mát tăng vọt.
Giới phân tích nhận định tình trạng thiếu điện của Trung Quốc có thể còn kéo dài ít nhất trong vài tháng tới, đặc biệt khi nhiệt độ mùa hè năm nay được dự báo cao hơn bình thường. Chuyên gia phân tích Yan Qin thuộc hãng dữ liệu Refinitiv nhận định khu vực miền Nam và miền Trung Trung Quốc đối mặt với “các rủi ro đáng kể” trong việc thiếu hụt điện.
Trong khi đó, ông Henning Gloystein cho rằng Chính phủ Trung Quốc cũng có thể có các lựa chọn khác, gợi ý việc Trung Quốc có thể dỡ bỏ các rào cản hiện nay đối với than Australia. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến vị thế của Trung Quốc suy yếu. Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể tạm thời nới lỏng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm từ nhiệt điện than.
Chính phủ Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu trở thành nền kinh tế trung hoà carbon vào năm 2060. Ông Yan Qin nhận định vấn đề thiếu điện của Trung Quốc có thể diễn ra trong vài năm tới khi nước này phải giải quyết ổn thoả bài toán làm sao vừa đáp ứng được nhu cầu điện đang tăng lên vừa đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Mặc dù Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhưng những nguồn cung này không đảm bảo tính ổn định so với các nguồn năng lượng hoá thạch.
Cuối tuần trước, Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ thay đổi cách tính giá điện dân dụng nhằm phản ánh tốt hơn chi phí đầu vào. Tín hiệu này cho thấy Trung Quốc có thể nâng giá điện dân dụng nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn đối với các đơn vị sản xuất điện của nước này trong bối cảnh chi phí đầu vào ở mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định giải pháp này khó giải quyết được vấn đề do lượng điện sinh hoạt chỉ chiếm khoảng 15% tổng lượng điện tiêu thụ của nước này.