Giới phân tích cho rằng động thái này của Chính phủ Trung Quốc là nhằm đáp trả việc Chính phủ Australia huỷ bỏ hai thoả thuận thuộc sáng kiến Một vành đai, Một con đường (BRI) vào cuối tháng 4 vừa qua.
Trước đó, hai thoả thuận này đã được chính quyền bang Victoria (Australia) ký với Chính phủ Trung Quốc nhưng Chính phủ Australia cho rằng những thoả thuận này không phù hợp với chính sách ngoại giao của nước này. Bên cạnh đó, Chính phủ Australia cũng cảnh báo chấm dứt thỏa thuận cho một công ty Trung Quốc thuê Cảng Darwin.
Giới quan sát nhận định động thái mới nhất của Trung Quốc mang nặng tính chất ngoại giao và ít gây ảnh hưởng về mặt kinh tế đối với Australia khi lần cuối cùng hoạt động đối thoại này giữa hai nước diễn ra vào năm 2017.
Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây sau khi Australia lên tiếng ủng hộ điều tra quốc tế về vai trò của Trung Quốc trong việc bùng phát đại dịch Covid-19 hồi năm ngoái. Những căng thẳng ngoại giao đã khiến quan hệ thương mại song phương giữa hai nước chịu tác động mạnh khi Trung Quốc liên tục áp các mức thuế cao lên các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Australia như than, thịt bò, lúa mì, bông…
Mới đây nhất, vào ngày 26/3, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo áp đặt thuế chống bán phá giá với mức thuế suất từ 116,2% - 218,4% đối với rượu vang Australia nhập khẩu trong vòng 5 năm. Đồng thời, nhiều tàu chở than của Australia bị kẹt lại ngoài khơi khi Trung Quốc bất ngờ siết chặt các hoạt động kiểm tra than nhập khẩu.
Trước đó, Australia đã chính thức khởi kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm 2020 về việc Trung Quốc áp đặt mức thuế cao hơn 80% đối với mặt hàng lúa mì xuất khẩu của Australia.
Các quan chức Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cho biết, giá trị thương mại của Australia với Trung Quốc tại hầu hết các ngành đã giảm mạnh 40% kể từ khi tranh chấp thương mại gia tăng giữa hai nước trong năm 2020.
Theo nhận định của chuyên gia phân tích Jeffrey Wilson thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách Perth USAsia Centre (Australia) việc Trung Quốc đình chỉ Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc – Australia cho thấy nước này đã “hết các phương án trả đũa” đối với Australia.
"Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính của Australia, đầu tư song phương giữa hai nước cũng sụp đổ và các cuộc thảo luận liên chính phủ cũng bị đình chỉ kể từ năm 2020. Trung Quốc hiện không còn hành động đáp trả thực chất nào nữa đối với Australia và phải dùng đến các hành động mang tính biểu tượng nhiều hơn”, ông Jeffrey Wilson nhận định.
Chia sẻ nhận định đồng quan điểm, nhà kinh tế học Heling Shi thuộc Đại học Monash (Australia) cho biết Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc – Australia nhằm thảo luận về các chính sách và chiến lược hợp tác kinh tế vĩ mô giữa hai nước và không bao gồm toàn bộ các sự kiện kinh tế - thương mại giữa hai nước.
“Tôi cho rằng Trung Quốc vẫn cần quặng sắt từ Australia, nhất là khi nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi mạnh. Do đó các hoạt động thương mại giữa hai nước sẽ không dừng lại”, ông Heling Shi cho biết.