Trong ngày 4/5, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bà Kristalina Georgieva cho biết một thoả thuận đa phương về các loại thuế như đề xuất gần đây của Hoa Kỳ là cách duy nhất để đảm bảo các công ty đa quốc gia có lợi nhuận cao đóng thuế đầy đủ ở những nơi mà họ kinh doanh, bao gồm tại các quốc gia có thu nhập thấp.
Theo bà Kristalina Georgieva, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra và các thách thức biến đổi khí hậu hiện tại mang lại cho thế giới một cơ hội để suy nghĩ lại và sửa đổi hệ thống thuế quốc tế. IMF ủng hộ Diễn đàn hợp tác quốc tế chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) như một phương thức để tránh xung đột thuế giữa các quốc gia, bà Kristalina Georgieva cho biết.
BEPS bao gồm 139 nền kinh tế nhằm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia để ngăn chặn việc nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đã lợi dụng khoảng trống và những hạn chế trong chính sách thuế tại các nước nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để chuyển lợi nhuận sang nơi có mức thuế suất thấp.
“Chúng tôi đặc biệt lạc quan về khả năng đạt một thoả thuận toàn cầu về thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm nay. Và một việc vô cùng khẩn cấp là phải trấnh nguy cơ xảy ra tình trạng hỗn loạn trong việc đánh thuế hoặc chiến tránh thương mại, tình huống khiến tất cả các bên đều thiệt hại”, bà Kristalina Georgieva nói.
Trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đề xuất việc áp mức thuế suất tối thiểu 21% đối với lợi nhuận thu được từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Điều này có thể gây sức ép buộc nhiều quốc gia khác phải tăng mức thuế hiện tại của mình.
Đề xuất này cũng mang lại động lực mới cho nỗ lực mà OECD theo đuổi suốt nhiều năm nay nhằm chống lại các chiến lược trốn thuế mà các doanh nghiệp đa quốc gia đang sử dụng hiện nay. Đại diện các quốc gia và tổ chức tham gia đàm phán về quy tắc đánh thuế chung toàn cầu cho biết có thể đạt được một thoả thuận vào giữa mùa hè này.