Giá hàng hoá tăng vọt
Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số giá hàng hoá GSCI Commodity Index đã tăng tới 21% và nếu so với hồi tháng 3/2020 – khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu thì chỉ số này đã tăng tới 63%.
Giá dầu thô Brent – chỉ số giá nhiên liệu chính đã bật tăng 27% so với hồi đầu năm. Tương tự, giá kim loại đồng vốn được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế cũng tăng hơn 25% kể từ đầu năm đến nay. Dữ liệu của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy giá các loại thực phẩm trên toàn cầu đã tăng tháng thứ 10 liên tiếp, chạm mức cao kỷ lục kể từ năm 2014.
Nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới như Morgan Stanley và Goldman Sachs nhận định thế giới có thể đang bước vào một “siêu chu kỳ hàng hoá” mới khi nhiều yếu tố tương tự như các siêu chu kỳ hàng hoá trước đây xuất hiện như: đồng USD suy yếu, môi trường chính sách tiền tệ và tài khoá siêu nới lỏng trên toàn cầu, các gói phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ và các kế hoạch phát triển kinh tế xanh đầy tham vọng.
Siêu chu kỳ hàng hoá là gì?
Siêu chu kỳ hàng hoá tương đối hiếm xảy ra so với các hiện tượng khác như khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong vòng 120 năm trở lại đây, thế giới chỉ trải qua 4 siêu chu kỳ hàng hoá và đều gắn với những thay đổi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu như khi Hoa Kỳ tiến hành công nghiệp hoá trong những năm 1890, Châu Âu và Nhật Bản tái thiết sau Thế Chiến II vào những năm 1950.
Siêu chu kỳ hàng hoá gần nhất bắt đầu vào năm 2000, chủ yếu do Trung Quốc đẩy mạnh công nghiệp hoá. Đây cũng là thời điểm nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Toàn cầu (WTO), mở ra một giai đoạn tăng tốc kinh tế mới của đất nước tỷ dân. Hoạt động sản xuất diễn ra mạnh mẽ cùng với hàng loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn đã biến Trung Quốc thành nước nhập khẩu nguyên liệu thô lớn nhất thế giới và dẫn dắt giá hàng hoá cơ bản liên tục tăng mạnh.
Ngay cả khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra vào cuối năm 2008, tiếp theo là khủng hoảng nợ công của khối EU vào năm 2010, nhu cầu hàng hoá trên toàn cầu chỉ suy giảm nhẹ do Trung Quốc tung ra các chương trình kích thích kinh tế khổng lồ để vượt qua các biến động tài chính và giá hàng hoá tiếp tục neo ở mức cao.
Giá hàng hoá chỉ bắt đầu lao dốc kể từ năm 2014 sau khi tình trạng dư cung dầu thô bùng phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bắt đầu chậm lại. Tính chung giai đoạn từ 2000 – 2013, giá kim loại đồng đã tăng 301%, giá dầu thô Brent tăng 278% và giá ngô tăng 169%.
Bên cạnh đó, siêu chu kỳ hàng hoá này còn được thúc đẩy bởi việc đồng USD suy yếu. Đồng USD đã liên tục giảm giá kể từ khi bong bóng dotcom vỡ vào năm 2001. Đồng USD chạm mức thấp kỷ lục so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới vào mùa hè năm 2008 – thời điểm giá dầu thô đạt mức cao nhất lịch sử và ngay trước thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát. Kể từ đó, đồng USD đã tăng trở lại nhưng vẫn thấp hơn so với đỉnh cũ.
Do hầu hết các loại hàng hoá cơ bản trên toàn cầu đều được định giá bằng đồng USD, khi đồng USD suy yếu sẽ khiến các loại hàng hoá trở nên “rẻ hơn” đối với các quốc gia nắm giữ loại tiền tệ khác và kích thích mua vào hàng hoá.
Trong các chu kỳ thông thường, sự gia tăng nhu cầu sẽ kéo giá hàng hoá đi lên; sau đó nguồn cung hàng hoá gia tăng nhằm đáp ứng nhu cầu, từ đó kéo giá hàng hoá giảm xuống. Tuy nhiên, khi nhu cầu bùng nổ mạnh mẽ và nguồn cung không đáp ứng được trong thời gian dài thì siêu chu kỳ hàng hoá xuất hiện. Theo đó, giá hàng hoá sẽ được giao dịch cao hơn nhiều so với xu hướng giá trong dài hạn. Siêu chu kỳ hàng hoá có thể kéo dài trong cả thập kỷ hoặc hơn.
Những yếu tố hội tụ hiện nay
Đợt tăng giá mạnh của hàng hoá cơ bản lần này có nhiều điểm tương đồng với những nguyên nhân dẫn đến các “siêu chu kỳ hàng hoá” trong quá khứ và làm dấy lên đồn đoán thế giới đang bắt đầu bước vào một siêu chu kỳ hàng hoá mới.
Thứ nhất, đồng USD đang trên đà suy giảm trở lại kể từ tháng 3/2020 do Chính phủ Hoa Kỳ và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) bơm lượng tiền khổng lồ vào thị trường nhằm chống lại các tác động của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, FED đã hạ lãi suất cơ bản xuống còn 0% - 0,25% và thực thi chính sách tiền tệ mở rộng ở mức chưa từng có. Tính từ tháng 2/2020 đến tháng 2/2021, FED đã bơm vào thị trường khoảng 4.000 tỷ USD khiến cung tiền M2 tăng 26% so với giai đoạn tháng 2/2019 – 2/2020. Đây là mức tăng cung tiền cao nhất của FED kể từ năm 1943.
Các dữ liệu cho thấy, ngay cả khi FED không tung ra thêm bất kỳ biện pháp nới lỏng nào thì cung tiền M2 của Hoa Kỳ sẽ tăng khoảng 12% trong năm nay. Con số này cao gấp đôi so với mức tăng cung tiền M2 trung bình giai đoạn 2000 – 2019 của nước này.
Đồng thời, Chính phủ Hoa Kỳ đã thông qua các biện pháp cứu trợ, ứng phó các tác động của đại dịch Covid-19 với tổng trị giá hơn 5.300 tỷ USD, bao gồm cả việc phát hàng nghìn USD tiền mặt cho các hộ gia đình của nước này. Nhiều nhà kinh tế học nhận định thế giới đang bơi trong bể tiền mặt giá rẻ khổng lồ.
Mới đây, Chủ tịch FED ông Jerome Powell tái khẳng định sẽ tiếp tục bơm tiền ra thị trường bất chấp nền kinh tế Hoa kỳ đang phục hồi mạnh với lý do thị trường việc làm vẫn ở mức rất thấp so với mục tiêu. Điều này sẽ khiến giá USD tiếp tục đi xuống trong thời gian tới, đặc biệt là khi các khu vực khác trên thế giới như Châu Âu phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Thứ hai, nhu cầu mua sắm hàng hoá sẽ bật tăng mạnh sau giai đoạn bị dồn nén do Covid-19 và do kích thích từ các chính sách phục hồi kinh tế, kéo theo đó là nhu cầu về các loại hàng hoá cơ bản. Chi tiêu chính phủ ở mức cao chưa từng có là một trong những điều quan trọng hỗ trợ cho giả thuyết “siêu chu kỳ hàng hoá” đang quay trở lại.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đã và đang tung ra các gói cứu trợ khổng lồ, tăng cường chi tiêu tài khoá nhằm đối phó cả cú sốc cung và sốc cầu do đại dịch Covid-19 gây ra. Đa số các nhà kinh tế học đều tin rằng các chính phủ sẽ không áp dụng các chính sách “thắt lưng buộc bụng” như đã làm sau cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng các khoản tài chính được chính phủ và ngân hàng trung ương các nước cam kết tung ra kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi đầu năm 2020 đã đạt 19.500 tỷ USD.
Đáng chú ý, Liên minh Châu Âu vừa thông qua gói cứu trợ Next Generation EU trị giá 750 tỷ EUR nhằm không chỉ cứu trợ các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà còn hướng đến xây dựng một nền kinh tế mới ở khu vực EU. Tính chung với các gói ngân sách dài hạn giai đoạn 2021 - 2027, EU tung ra tổng 1.800 tỷ EUR nhằm khôi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Tại Hoa Kỳ, phải kể đến gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD được tung ra hồi giữa tháng 3 vừa qua. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang đề xuất gói phát triển hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD. Trung Quốc cũng đã thi hành các gói hỗ trợ quy mô lớn tương tự từ quý 2/2020.
Thứ ba, các chỉ báo trong giao dịch trên thị trường đang cho thấy nhu cầu của thị trường tăng mạnh trong khi đó nguồn cung có giới hạn. Trên thị trường hàng hoá, sự xuất hiện của hiện tượng giá giao ngay cao hơn giá của các hợp đồng tương lai (backwardation) là biểu hiện rõ ràng cho thấy nhu cầu đang tăng nhanh hơn dự đoán.
Việc nguồn cung bị hạn chế cũng khiến tình trạng thiếu hụt hàng hoá trở nên nghiêm trọng hơn khi nhu cầu bùng nổ và dễ dàng đẩy giá hàng hoá lên cao. Cụ thể, Brazil – quốc gia xuất khẩu ngô và đậu tương hàng đầu thế giới đang đối mặt với tình trạng hạn hán diện rộng khiến sản lượng ngũ cốc giảm xuống. Điều này đã đẩy giá ngô và đậu tương trên thị trường quốc tế hiện chạm mức cao nhất kể từ năm 2013 trở lại đây.
Việc nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu hướng đến phát triển kinh tế xanh và các mục tiêu chống biến đổi khí hậu trong kế hoạch khôi phục kinh tế hậu đại dịch Covid-19 sẽ kéo nhu cầu các kim loại màu như đồng, lithium, coban, thiếc tăng mạnh. Đây là những kim loại quan trọng trong sản xuất pin hiệu suất cao, các thiết bị năng lượng tái tạo và thiết bị điện tử.
Tuy nhiên, các nguồn cung kim loại hiện đều ở mức thấp do các biện pháp siết chặt xuất khẩu như trường hợp kim loại thiếc từ Indonesia hoặc các mỏ khai thác đang đi vào cuối chu kỳ sản xuất như khai thác đồng tại Nam Phi. Việc thiết lập các mỏ khai thác mới cũng sẽ mất một khoảng thời gian. Do đó sản lượng các kim loại sẽ khó có thể tăng đột biến ngay lập tức theo nhu cầu sử dụng.
Một số nhà kinh tế học cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để cho rằng thế giới có đang bước vào một siêu chu kỳ hàng hóa khác nhưng các chỉ số đều cho thấy điều này. Rõ ràng nhất là thế giới đang trong tháng thứ sáu hoặc thứ bảy khi giá hàng hóa tăng. Trong siêu chu kỳ gần đây nhất, giá hàng hoá đã tăng trong 55 tháng.