Vào lúc 14h30 chiều nay (ngày 5/5, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đã tăng 0,7% lên 69,37 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 0,7% lên 66,12 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent chạm mức 69,78 USD/thùng – mức cao nhất trong vòng 7 tuần trở lại đây.
Giá dầu thô hiện đang hướng đến ngày tăng thứ ba liên tiếp sau khi sụt giảm mạnh vào cuối tuần trước. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã tăng gần 2%.
Đà tăng của giá dầu thô chủ yếu nhờ dữ liệu mới nhất của Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm mạnh 7,7 triệu thùng. Con số này cao hơn gấp 3 lần so với mức dự báo giảm của các chuyên gia phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters.
Dữ liệu của API cũng cho thấy lượng tồn trữ xăng của Hoa Kỳ đã giảm 5,3 triệu thùng trong tuần trước. Hiện thị trường đang tập trung quan sát dữ liệu tồn trữ dầu thô chính thức do Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố vào chiều ngày 5/5 (theo giờ địa phương).
Chiến lược gia Margaret Yang tại hãng giao dịch DailyFX (Singapore) nhận định triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu đang ngày càng tốt hơn với việc Hoa Kỳ và Anh dần dỡ bỏ các biện pháp phong toả, bù đắp phần nào sự sụt giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Ấn Độ và Nhật Bản.
Giới phân tích dự báo nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục trong mùa hè tới đây khi các nền kinh tế tại Châu Âu dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, việc Hoa Kỳ và Châu Âu đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cũng hỗ trợ giá dầu thô tăng lên. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), đã có hơn 106 triệu người tương đương 1/3 dân số Hoa Kỳ được tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine và khoảng 147 triệu người được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19.
Trong khi đó, dữ liệu của trường Đại học Oxford (Anh) cho thấy, tính đến ngày 2/5, cứ 100 người dân sống tại Châu Âu thì đã có 33,6 liều vaccine được phân phối, tăng đáng kể so với cách đây 1 tháng. Số ca nhiễm mới toàn khu vực tại Châu Âu cũng đã giảm 19% trong 1 tuần trở lại đây. Các nước Châu Âu cũng bắt đầu đánh giá việc dùng vaccine do Pfizer/BioNTech phát triển cho nhóm trẻ em từ 12 – 15 tuổi. Bên cạnh đó, Châu Âu đang đẩy nhanh kế hoạch mở cửa biên giới với bên ngoài ngay trong mùa hè này.
Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ vẫn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng với hơn 20,65 triệu người nhiễm Covid-19 sau 12 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới/ngày. Giới chuyên gia y tế dự đoán số ca nhiễm Covid-19 thực tế tại Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới, có thể cao hơn gấp 5 – 10 lần do hệ thống y tế tại nước này đã quá tải, không thể tiếp nhận điều trị cũng như thực hiện xét nghiệm phát hiện các ca mắc mới.