Trong 9 tháng vừa qua, đồng USD đã liên tục xuống giá so với các đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ; qua đó, xác lập khoảng thời gian giảm giá dài nhất của đồng USD. Sự sụt giảm của đồng USD diễn ra trong bối cảnh giới đầu tư trở nên lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tỷ giá ngoại tệ đã chạm đáy 1 tháng trở lại đây.
Trong tháng 3 vừa qua, đồng USD đã bật tăng mạnh khi nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi mạnh mẽ làm dấy lên các dự báo lạm phát sẽ tăng nhanh và có thể buộc Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) siết chặt lại các chính sách hỗ trợ kinh tế. Điều này đã kéo lợi suất trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ tăng lên, từ đó đẩy đồng USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới.
Tuy nhiên, khi giới đầu tư chuyển sang tin rằng nền kinh tề toán cầu sắp bước vào giai đoạn phục hồi mạnh thì đồng USD lại sụt giảm trở lại. Trong tháng 4/2021, chỉ số US Dollar Index – đo lường sự biến động của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác (EUR,GBP, JPY, CAD, SEK và CHF) đã giảm tới 2,4%, từ mức 93,31 điểm về mức 90,98 điểm.
Trong rổ tiền tệ, đồng EUR đã tăng mạnh 3% so với đồng USD, lên mức 1 EUR đổi 1,20 USD. Đồng Real của Brazil trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất trên thế giới trong tháng 4.
Mặc dù khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đã rơi vào suy thoái trong quý 1 vừa qua nhưng giới phân tích vẫn dự báo hoạt động kinh tế tại khu vực này sẽ dần tăng trở lại khi chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại đây được triển khai nhanh hơn và các nền kinh tế thành viên dần mở cửa trở lại.
Ông Kamashya Trivdedi, chiến lược gia tại tập đoàn ngân hàng Goldman Sachs (Hoa Kỳ), cho biết “Sự trở lại của các giao dịch tiền tệ dựa trên dự báo lạm phát sẽ tăng trên toàn cầu thay vì chỉ tăng ở Hoa Kỳ là lý do chính khiến chỉ số US Dollar Index giảm mạnh trong tháng 4 vừa qua. Trong những tháng tới đây, các biện pháp phòng ngừa Covid-19 tại Châu Âu sẽ dần được nới lỏng và giá dầu thô cũng với giá đồng sẽ tăng lên, tất cả những yếu tố này sẽ đẩy giá USD tiếp tục đi xuống”.
Trong ngày 28/4 vừa qua, khi cuộc họp chính sách định kỳ của FED diễn ra, Chủ tịch FED ông Jerome Powell đã dẹp bỏ các lo ngại rằng FED sẽ siết chặt chương trình nới lỏng định lượng và nhấn mạnh rằng FED vẫn tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng cho tới khi nền kinh tế Hoa Kỳ có những cải thiện chắc chắn và các mục tiêu về lạm phát, thị trường lao động đạt được.
Các nhà phân tích thuộc tập đoàn Bank of America (Hoa Kỳ) nhận định FED có thể đang “quá tay” trong việc sử dụng các công cụ kích thích kinh tế khi các số liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế quý 1/2021 của Hoa Kỳ đạt 1,6%, cao hơn nhiều so với mức 0,6% của khu vực Eurozone. Tuy nhiên, trước các tuyên bố của FED thì Bank of America xem “đây là điều tất yếu ở thời điểm hiện tại”.
Nhà kinh tế học cấp cao Silvia Dall’ Angelo thuộc hãng quản lý đầu tư Federated Hermes (Hoa Kỳ) cho rằng nhiều khả năng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng tốc trong quý 2 và quý 3 tới đây nhưng khu vực Eurozone có thể bắt kịp tốc độ tăng trưởng trong quý 3/2021. Điều này sẽ khiến đồng USD chịu áp lực giảm xuống so với đồng EUR.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại có quan điểm trái ngược. Ông Win Thin, trưởng ban chiến lược tiền tệ toàn cầu thuộc ngân hàng đầu tư Brown Brothers Harriman (Hoa Kỳ), nhân định tăng trưởng của khu vực Eurozone khó có thể bắt kịp Hoa Kỳ trong năm nay. Điều này có thể dẫn đến việc FED giảm dần chương trình nới lỏng định lượng sớm hơn so với Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Ông Win Thin nhấn mạnh “Một lý do mà mọi người dùng để giải thích cho việc đồng EUR đang tăng giá so với đồng USD là kỳ vọng ngày càng lớn chênh lệch tăng trưởng giữa khu vực Eurozone và Hoa Kỳ sẽ dần thu hẹp kể từ quý 2/2021 trở đi. Tuy nhiên, chúng tôi (Brown Brothers Harriman) không nghĩ điều này sẽ xảy ra. ECB sẽ phải tiếp tục duy trì chương trình nới lỏng định lượng như hiện nay trong thời gian dài hơn so với dự kiến”.