Dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat) cho thấy GDP quý 1/2021 của 19 nền kinh tế trong khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiên chung Châu Âu (Eurozone) đã giảm 0,6% so với hồi quý 4/2020, như vậy khu vực Eurozone đã rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật – GDP giảm liên tục hai quý liên tiếp. Trước đó, GDP quý 4/2020 của khu vực Eurozone đã giảm 0,7% so với quý 3/2020.
Đây là lần thứ hai Eurozone rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu hồi đầu năm 2020. Dữ liệu này cũng chính thức cho thấy Eurozone đã rơi vào tình trạng suy thoái kép. Trong mùa hè năm ngoái, khu vực Eurozone đã ghi nhận mức tăng trưởng GDP bùng nổ, đạt 12,5% khi nhiều nền kinh tế tại đây tái mở cửa trở lại và dỡ bỏ dần các hạn chế phòng ngừa đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi đột ngột khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ ba bùng phát trở lại. Nhiều quốc gia Châu Âu, bao gồm cả Đức và Pháp, buộc phải tái áp đặt trở lại các biện pháp phong toả diện rộng khi số ca nhiễm mới Covid-19 liên tục tăng cao và việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 diễn ra chậm.
Dữ liệu của Eurostat cũng cho thấy hai trong ba nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone là Đức, Pháp và Italy đều ghi nhận tăng trưởng GDP âm trong quý 1/2021. Trong đó, tăng trưởng GDP quý 1 vừa rồi của Đức – nền kinh tế lớn nhất Châu Âu ở mức -1,7%.
Đức hiện đã thắt chặt hơn các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 bất chấp sự phản đối từ nhiều bên. Các quan chức cấp cao Đức cho biết các biện pháp nghiêm ngặt có thể kéo dài đến cuối tháng 6 tới đây trong bối cảnh nhiều khu vực nước này vật lộn với số ca nhiễm mới Covid-19 tăng cao mỗi ngày.
Tại Italy, nền kinh tế lớn thứ ba khối Eurozone, tăng trưởng GDP quý 1/2021 của nước này ở mức -0,4% và chính thức rơi trở lại tình trạng suy thoái kỹ thuật. Italy là quốc gia đầu tiên tại Châu Âu ghi nhận sự bùng phát của đại dịch Covid-19 hồi năm ngoái và cũng là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất khu vực về số ca tử vong cũng như các tác động kinh tế. Italy vừa mới bắt đầu nới lỏng các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh sau 6 tháng áp đặt các biện pháp phong toả.
Trong khi đó, Pháp – nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Eurozone đã ghi nhận mức tăng trưởng GDP yếu 0,4% trong quý 1 vừa qua chủ yếu nhờ nước này không phải áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong hầu hết quý 1.
Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 3, Pháp đã phải tái phong toả thủ đô Paris và 15 tỉnh thành khác khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần ba bùng phát. Đây là lần thứ ba nước này phải phong toả diện rộng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát và dự kiến các biện pháp phong toả lần này sẽ được nới lỏng kể từ giữa tháng 5 tới đây.
Giới phân tích nhận định khu vực Eurozone sẽ đón nhận nhiều tín hiệu tích cực hơn trong quý 2 khi nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực tái mở cửa trở lại, việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được đẩy nhanh và miễn dịch cộng đồng được hình thành.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo EU đã thông qua gói cứu trợ Next Generation EU (tạm dịch: Thế hệ tiếp theo của EU) trị giá 750 tỷ EUR nhằm hỗ trợ các khu vực xã hội và nhóm ngành kinh tế chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh.
Tính chung với các gói ngân sách dài hạn khác, EU đã tung ra tổng 1.800 tỷ EUR nhằm khôi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Đây là các biện pháp kích thích kinh tế lớn nhất từ trước đến nay của khối này và được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy các nền kinh tế quốc gia thành viên phục hồi tốt hơn hậu đại dịch.