Với 400 ca nhiễm bệnh tính đến ngày 26/2 (tăng 25% so với ngày 25/2), Italy hiện là ổ dịch virus Covid-19 lớn thứ tư thế giới. Số người nhiễm bệnh của Italy chủ yếu đến từ vùng Lombardy và Veneto – khu vực công nghiệp quan trọng nhất và đóng góp đến 30% tổng GDP, gần 50% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Italy.
Sự gia tăng nhanh chóng của dịch bệnh buộc chính phủ Italy áp đặt các lệnh kiểm dịch nghiêm ngặt, buộc hàng ngàn cơ sở kinh doanh tại hai vùng Lombardy và Veneto vào tình trạng ngưng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Italy vốn phải hoạt động cầm chừng khi dịch virus Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, nơi cách họ đến 7.500 km, nay buộc phải ngưng hoạt động toàn bộ khi dịch bệnh bùng phát ngay tại chính nơi này.
Hàng loạt doanh nghiệp lớn của Italy như tập đoàn tài chính Unicredit SpA và hãng sản xuất xe ô tô Fiat Chrysler Automobiles NV đã cho phép nhân viên được làm việc tại nhà.
Công ty MTA Advanced Cars Solutions, một trong những hãng cung ứng phụ tùng cho hệ thống điện ô tô lớn tại Châu Âu cho biết đã phải đóng cửa nhà máy vốn sử dụng hơn 600 lao động tại vùng Lombardy. Công ty này cũng cho biết các dây chuyển sản xuất xe của hãng Fiat Chrysler trong vùng đã phải ngưng hoạt động. Hãng sản xuất thép ITA SpA, trụ sở tại Lecco thuộc vùng Lombardy, cũng cho biết việc đóng cửa cơ sở sản xuất đã khiến hãng vuột mất nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn sang Pháp và Đức.
Hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu là những trụ cột quan trọng để Italy duy trì nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn lớn liên quan đến nợ công và thất nghiệp. Nền kinh tế Italy – nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) luôn là mối lo ngại thường trực của khối Eurozone trong bối cảnh 20 năm trở lại đây, nền kinh tế Italy gần như không có tăng trưởng đáng kể và thuộc nhóm kinh tế yếu nhất khu vực Châu Âu.
Chỉ trong vòng 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, nền kinh tế Italy đã 3 lần rơi vào “suy thoái kỹ thuật” – tình trạng GDP tăng trưởng âm hai quý liên tiếp. Tăng trưởng GDP của Italy trong năm 2019 chỉ đạt 0,2%; trong đó, tăng trưởng GDP quý 4/2019 giảm 0,3% so với quý 3/2019.
Ngay cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tổ chức kinh tế đã cảnh báo Italy có thể rơi vào tình trạng suy thoái lần thứ 4 khi GDP quý 1/2020 sẽ ở mức yếu. Các tính toán mới nhất về tác động của dịch virus Covid-19 đến nền kinh tế Italy cho thấy tăng trưởng GDP quý 1/2020 của nước này sẽ giảm khoảng 0,5% đến 1%.
Không chỉ có khối sản xuất chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch virus Covid-19 mà khối bán lẻ và dịch vụ của Italy cũng được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề không kém khi các biện pháp kiểm dịch nghiệm ngặt cùng tâm lý lo sợ lan rộng đã khiến người tiêu dùng ở nhà phần lớn thời gian và huỷ bỏ các hoạt động du lịch, giải trí.
Hiệp hội các nhà bán lẻ của Italy dự báo nhu cầu tiêu dùng tại nước này có thể giảm 3,9 tỷ EUR (4,2 tỷ USD). Việc yêu cầu các bar, nhà hàng và khu giải trí đóng cửa sau 6h chiều nhằm chống dịch bệnh có thể khiến khối nhà hàng – khách sạn của Italy sụt giảm từ 15% – 20% doanh thu. Hoạt động kinh doanh của các nhà hàng, cửa hàng cafe và quán bar tại Italy trong 4 tháng đầu năm 2020 có thể sẽ thua lỗ khoảng 2 tỷ EUR và buộc 15.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải đóng cửa.
Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo dịch virus Covid-19 sẽ thổi bay các nỗ lực hồi phục một nền kinh tế đã quá trì trệ như Italy. Nếu các hoạt động kinh doanh bị đình trệ kéo dài, khoảng 1,1 triệu doanh nghiệp nhỏ, có quy mô dưới 9 nhân viên tại Italy sẽ đứng trước bờ vực phá sản.
Một số doanh nghiệp kỳ vọng chính phủ Italy có thể đưa ra các gói kích thích kinh tế để chống lại các tác động tiêu cực từ dịch virus Covid-19. Để chống lại sự suy thoái và hỗ trợ các doanh nghiệp tăng trưởng, về lý thuyết, chính phủ Italy có thể xem xét nới lỏng các chính sách tài khoá và sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ như tăng chi tiêu công, giảm lãi vay hoặc cung cấp các gói tài chính quy mô lớn.
Tuy nhiên, là một trong 19 quốc gia sử dụng chung đồng tiền Euro, Italy phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về chi tiêu công, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ nợ công trên GDP của nước này đã lên tới 132% - cao thứ hai khối Eurozone, sau Hy Lạp. Các ngân hàng tại Italy vẫn đang chật vật để giải quyết các khoảng nợ xấu và thận trọng hơn trong bất kỳ quyết định cho vay mới. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này thường xuyên vượt mức 10%, thậm chí lên 40% tại nhóm những người trẻ.
Trong ngày 23/2, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính khối G20, cả hai thống đốc ngân hàng trung ương Pháp và Italy đều cảnh báo trách nhiệm đối phó với virus Covid-19 sẽ phải thuộc về các chính phủ chứ không phải Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) do các chính sách tiền tệ của ECB hiện nay đã ở mức quá “lỏng”.
“Sự khắc khổ” là điều gì đó đã ăn sâu vào các chính sách kinh tế của Italy và khiến thị trường nội địa nước này khó phát triển, ông Servaas Storm – nhà kinh tế học thuộc Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan) nhận định.