Sự bùng phát của hàng trăm trường hợp nhiễm virus Covid-19 mới tại Hàn Quốc và Italy đã dập tắt hy vọng của nhiều người về một sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu trước các tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Tính đến hết ngày 25/2, Hàn Quốc đã ghi nhận gần 1.000 ca nhiễm, trong đó 11 người đã tử vong, trong khi tại Italy con số này là 229 ca nhiễm và 7 ca tử vong, khiến hai nước trở thành ổ dịch lớn thứ hai và thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc và trường hợp cá biệt - du thuyền Diamond Princess.
Đến nay, 4 trong 12 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị dịch virus Covid-19 tấn công. 4 nền kinh tế này gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Italy và Hàn Quốc đóng góp đến 27% tổng GDP toàn cầu. Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo sự bùng phát của dịch bệnh đang khoét sâu vào các điểm yếu tiềm tàng của các nền kinh tế này và có thể khiến các nước rơi vào tình trạng suy thoái nếu dịch bệnh kéo dài.
Trung Quốc: Bất chấp rủi ro dịch bệnh đặt ưu tiên kinh tế hàng đầu
Đối với nền kinh tế Trung Quốc – khởi điểm của dịch virus Covid-19, các doanh nghiệp tại đây đang bị vốn đã bị "nghiền nát" bởi cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, nay lại bị "knock-out" bởi dịch bệnh. Chịu tác động lớn nhất là khối ngành sản xuất khi hàng loạt nhà máy, công xưởng trên khắp cả nước buộc phải ngưng hoạt động trong thời gian dài để phòng chống dịch bệnh, kéo theo đó là sự đổ vỡ của hàng loạt chuỗi cung ứng quy mô toàn cầu.
Các hoạt động giao thương giữa các khu vực sản xuất trong nước này lẫn với thế giới bên ngoài cũng bị đóng băng. Khối ngành sản xuất đóng góp gần 30% vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2018, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.
Nhiều tổ chức kinh tế dự báo Trung Quốc sẽ khó có thể đạt được mức tăng trưởng mục tiêu “khoảng 6%” trong năm 2020 như đã đề ra. Trong năm 2019, dưới các tác động của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ còn đạt 6,1% - mức thấp nhất trong vòng 29 năm trở lại đây.
Ngày 22/2, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2020 xuống 5,6%, giảm 0,4% so với dự báo hồi tháng 1/2020 do các tính toán mới về tác động của dịch virus Covid-19.
Trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã đổi mục tiêu từ ưu tiên “chống dịch bệnh” sang “duy trì tăng trưởng kinh tế” đi cùng với đó là sự nới lỏng các yêu cầu phòng chống dịch nghiêm ngặt để giúp các nhà máy tái khởi động nhanh hơn tránh nguy cơ hàng triệu doanh nghiệp nước này sẽ bị phá sản vì ngưng trệ kinh tế kéo dài.
Các nhà máy giờ đây được khuyến khích quay trở lại sản xuất càng nhanh càng tốt trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tự tin khẳng định nước này sẽ vẫn đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như đã đề ra. Một số địa phương vốn phụ thuộc mạnh vào sản xuất công nghiệp đã cho phép các doanh nghiệp tái sản xuất ngay lập tức miễn là đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, không cần xin giấy phép đảm bảo kiểm dịch như trước đây hoặc đẩy nhanh việc thanh tra nhà máy và cấp giấy phép cùng lúc trong 1 ngày.
Tuy nhiên, việc bỏ qua công tác kiểm dịch được nhiều chuyên gia nhận định là “bước đi rủi ro” khi dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát thực sự và xác suất bùng phát dịch bệnh trở lại sẽ tăng cao khi hàng trăm triệu người dân quay trở lại các khu đô thị.
Bên cạnh đó, việc nới lỏng các công tác kiểm dịch chỉ là tháo gỡ khó khăn trước mắt do nhiều nhà máy tại Trung Quốc không thể tái sản xuất được đơn giản vì không thể tiếp cận được nguồn cung nguyên liệu đầu vào khi các lệnh hạn chế giao thông được áp dụng khắp nơi; hoặc công nhân không thể đến được nhà máy hoặc bị cách ly để phòng chống dịch bệnh.
Ông Dan Alpert, Giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư Westwood Capital dự báo Trung Quốc có thể buộc phải phá giá đồng nội tệ trong quý 2/2020 để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của nước này. Điều này cũng giúp níu kéo các doanh nghiệp nước ngoài vốn đang lên kế hoạch di chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sẽ tiếp tục ở lại. Tuy nhiên, việc phá giá đồng nội tệ sẽ vi phạm thoả thuận thương mại giai đoạn 1 mà Trung Quốc mới ký với Hoa Kỳ hồi giữa tháng 1/2020.
Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát trong thời gian tới, sự kết hợp các cú sốc cung và cầu có thể đẩy nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng đình lạm (stagflation) – lạm phát kèm suy thoái. Khi đó, Trung Quốc vẫn có mức lạm phát dương nhưng tăng trưởng kinh tế ở mức yếu đi kèm với đó là tình trạng thất nghiệp tăng lên và sẽ không có một chính sách tiền tệ nào đủ hiệu quả để giúp nền kinh tế Trung Quốc chống chọi.
Nhật Bản: Nguy cơ suy thoái kỹ thuật
Tại Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vừa trải qua quý 4/2019 tồi tệ với tốc độ tăng trưởng GDP âm đến -6,3%. Trong quý 4/2019, việc tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% kết hợp với việc thời tiết ấm hơn thường lệ đã làm giảm mạnh nhu cầu mua sắm của người dân Nhật Bản được cho là nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng GDP của nước này suy giảm.
Sự sụt giảm tăng trưởng GDP quý 4/2019 cũng chấm dứt mạch tăng trưởng GDP kéo dài 4 quý liên tiếp trước đó. Các chuyên gia kinh tế nhận định sự bùng phát bất ngờ của dịch virus Covid-19 đã phá vỡ các kịch bản tăng trưởng của Nhật Bản.
Thậm chí, từ trước khi triển vọng tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản bị đe doạ bởi dịch virus Covid-19, nền kinh tế nước này đã bộc lộ nhiều bất ổn hơn so với dự báo của các nhà kinh tế. Giới phân tích càng bi quan khi các biện pháp của chính phủ nước này nhằm duy trì sức tiêu dùng trong nước sau tăng thuế không phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
"Nền tảng của Nhật Bản vốn khởi đầu không vững chắc. Do đó, tăng trưởng có thể dễ dàng bị đẩy vào vùng âm vì các yếu tố như dịch bệnh", Hiroshi Miyazaki – nhà kinh tế học tại Mitsubishi UFJ Morgan Securities cho biết.
Các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang gặp nhiều thách thức trong duy trì hoạt động trong bối cảnh các chuỗi cung ứng tại Trung Quốc bị đứt đoạn, các cơ sở sản xuất đặt tại Trung Quốc bị ngưng hoạt động và lượng khách du lịch Trung Quốc đến Nhật Bản sụt giảm. Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Nhật Bản sang Trung Quốc – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản trong giai đoạn hiện tại cũng gặp nhiều khó khăn.
Nhiều nhà kinh tế học dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trưởng âm -0,25%, thậm chí -1,6% trong quý 1/2020 và khiến Nhật Bản rơi vào tình trạng “suy thoái kỹ thuật”. Ông Taro Saito - ưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế của Viện nghiên cứu NLI cảnh báo "Nếu dịch bệnh không được xử lý trước khi Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 diễn ra, thiệt hại cho nền kinh tế sẽ rất lớn".
Italy: Nợ công, thất nghiệp và virus Covid-19
Tương tự, nền kinh tế Italy vừa trải qua năm 2019 đầy khó khăn với mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 0,2%. Thậm chí, tăng trưởng GDP quý 4/2019 giảm 0,3% so với quý 3/2019 do nhu cầu trong nước sụt giảm và đây cũng là mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 6 năm trở lại đây đối với Italy.
Italy hiện là nền kinh tế lớn 8 toàn cầu và lớn thứ 3 trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).
Các chuyên gia nhận định, từ lâu nền kinh tế Italy đã gặp những vấn đề nghiêm trọng về năng lực cạnh tranh, yếu tố khiến cho tăng trưởng GDP chậm và thậm chí chưa thể hồi phục trở lại kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Bên cạnh đó, thị trường lao động của Italy cũng đối mặt với nhiều thách thức khi tỷ lệ thất nghiệp cao luôn duy trì ở mức lớn hơn 10%, thậm chí con số này ở nhóm những người trẻ lên tới 40%.
Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất mà quốc gia này đang phải đối mặt đó là nợ công gia tăng nhanh, hiện đã lên tới mức 132% GDP. Điều này khiến Italia trở thành quốc gia có tỷ lệ nợ công lớn thứ hai trong khu vực EU sau Hy Lạp.
Ngay cả trước khi dịch virus Covid-19 bùng phát, một số dự báo cho thấy Italy, nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới, có thể rơi vào suy thoái trong đầu năm nay. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng kinh tế của Italy rơi vào nhóm thấp nhất khối EU có thể kéo dài liên tục trong vài năm nữa.
Số ca nhiễm virus Covid-19 tại Italy chủ yếu được phát hiện tại vùng Lombardy và Veneto - trung tâm công nghiệp chiếm tới 30% tổng GDP của Italy. Chính phủ Italy đã áp đặt lệnh kiểm dịch nghiêm ngặt và yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài tại một số khu vực gần thành phố Milan và Venice. Thành phố Milan, thuộc vùng Lombardy, là trung tâm tài chính của Italy; Venice, thuộc vùng Veneto, là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất Italy.
Các lệnh hạn chế đi lại, đình chỉ hoạt động sản xuất và huỷ bỏ các hoạt động du lịch để phòng chống dịch bệnh sẽ khiến nền kinh tế Italy lún sâu hơn vào các khó khăn hiện tại.
Hàn Quốc: Chuẩn bị cho cú sốc kinh tế tiếp theo
Ngày 24/2, Thứ trưởng Tài chính Hàn Quốc Kim Yong-beom cho biết sự lây lan nhanh của dịch virus Covid-19 tại Hàn Quốc – nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới là mối lo ngại lớn và có thể hạn chế đà phục hồi kinh tế mới nhen nhóm vào cuối năm ngoái của nước này. Dịch virus Covid-19 được dự báo có thể khiến nhu cầu nội địa và hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc sụt giảm.
Trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDP của Hàn Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm, chỉ đạt 2% do chịu tác động mạnh từ cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Kinh tế Hàn Quốc thường chịu tác động rất sớm từ các biến động trên thế giới, do phụ thuộc nhiều vào thương mại, đặc biệt là với Trung Quốc.
Nhập khẩu của Hàn Quốc từ Trung Quốc đã giảm 19% trong 20 ngày đầu tháng 2/2020, phản ánh sự gián đoạn nghiêm trọng của các chuỗi cung ứng phục vụ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Hàn Quốc khi các nhà máy tại Trung Quốc bị ngưng hoạt động vì dịch bệnh. Xuất khẩu trung bình ngày của Hàn Quốc cũng giảm 9,3% giai đoạn này so với cùng kỳ năm ngoái.
Dịch bệnh cũng khiến ngành du lịch Hàn Quốc và hoạt động bán lẻ tại nước này lao dốc. Dữ liệu cho thấy, số khách nước ngoài đến Hàn Quốc trong giai đoạn từ 20/1 – 10/2/2020 đã giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do suy giảm khách du lịch Trung Quốc. Các trung tâm thương mại lớn và các cửa hàng cũng sụt giảm doanh thu do người dân hạn chế đến nơi đông người. Nhiều cơ sở kinh doanh đã buộc phải đóng cửa khi các ca nhiễm bệnh được phát hiện trong khu vực.
Nền kinh tế Hàn Quốc được dự báo còn chịu nhiều tác động hơn nữa, do nỗi sợ đang lan nhanh trong cộng đồng, kìm hãm các hoạt động kinh tế. Chính phủ Hàn Quốc đã thúc giục người dân tránh các hoạt động ngoài trời, hạn chế dịch vụ liên quan đến tôn giáo, lùi lịch năm học mới và khẳng định ưu tiên lớn nhất hiện tại là khống chế dịch bệnh.
Các hoạt động kinh tế - xã hội tại thành phố Daegu – tâm điểm dịch hiện nay của Hàn Quốc đã rơi vào trạng thái đóng băng. Daegu là thành phố kinh tế lớn thứ tư của Hàn Quốc và là một trong những thủ phủ công nghiệp với nhiều ngành lớn như dệt may, luyện kim và chế tạo máy. Ngày càng nhiều cơ sở kinh doanh tại đây đóng cửa với lời thông báo dán ngoài “chúng tôi đóng cửa do dịch bệnh” hoặc “chúng tôi đóng cửa vì thiếu nhân viên”.
Rất nhiều ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới và viện nghiên cứu kinh tế đã dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc xuống dưới 2% năm nay, do sự bùng phát dịch bệnh. Trong đó, hãng nghiên cứu kinh tế Oxford Economics hạ dự báo tăng trưởng GDP của Hàn Quốc trong năm 2020 từ 2,2% xuống 1,8% - mức thấp kỷ lục mới.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, Ngân hàng Hàn Quốc dự báo nước này sẽ đạt tăng trưởng GDP 2,3% trong năm 2020 nhờ các căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đã được giải toả phần nào.
Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo tăng trưởng GDP quý 1/2020 của Hàn Quốc có thể rơi vào vùng âm. Hãng Normura Securities dự báo trong kịch bản tồi tệ nhất, tăng trưởng GDP của Hàn Quốc sẽ là -2,9% trong quý 1/2020; trong khi đó, ngân hàng đầu tư JP Morgan dự báo mức -0,3%.
"Đại dịch kinh tế"
Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết theo những tính toán hiện tại, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm khoảng 0,1%. Dù vậy, bà cũng cảnh báo họ vẫn đang xem xét "các kịch bản u ám hơn" khi dịch bệnh "kéo dài và lan rộng".
Các chuyên gia kinh tế của hãng Oxford Economics ước tính, dịch Covid-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD do năng suất lao động giảm, sản xuất đình đốn, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thương mại và đầu tư giảm, ngành du lịch bị tàn phá… Cũng theo Oxford Economics, nền kinh tế Kỳ và khu vực Eurozone sẽ bị suy thoái trong nửa đầu năm 2020 và mô tả kịch bản sẽ giống như một “cú sốc ngắn nhưng đánh mạnh vào vào nền kinh tế thế giới”.
Các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đã sử dụng phần lớn công cụ họ thường dùng để đối phó các cuộc suy thoái kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Khối nợ toàn cầu cũng đang ở mức cao kỷ lục, do đó các nền kinh tế lớn cũng không còn nhiều dư địa trong việc triển khai các biện pháp kích thích kinh tế.
Bà Kristalina Georgieva nhận định “Có thể dịch virus Covid-19 là đại dịch sức khoẻ nhưng đây đang là đại dịch kinh tế với các quốc gia”.