Khối lượng hàng hoá luân chuyển qua đường hàng không trên toàn cầu trong năm 2019 giảm 3,3% so với năm 2018. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012, tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển bằng đường hàng không giảm xuống. Đặc biệt, toàn bộ các khu vực thị trường hàng không trên toàn cầu đều ghi nhận sự sụt của lưu lượng hàng hoá được luân chuyển.
Do các dữ liệu về khối lượng hàng hoá luân chuyển thường được công bố nhanh hơn các chỉ số thống kê kinh tế khác, sự biến động của mức giá cước vận tải cùng với sự thay đổi khối lượng hàng hoá luân chuyển qua đường hàng không cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm về những biến động của nền kinh tế. Giá cước vận tải hàng không thường rất nhạy cảm với những thay đổi của các chu kỳ kinh tế, đặc biệt là những thay đổi trong các chuỗi sản xuất toàn cầu.
Các tuyền đường vận chuyển hàng không chính trên thế giới hiện nay gồm có khu vực Châu Á – Bắc Mỹ (chiếm khoảng 20% tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển toàn cầu); khu vực Châu Á – Châu Âu (chiếm khoảng 20%); khu vực Châu Âu – Bắc Mỹ (chiếm khoảng 10%) và các tuyến khu vực nội Á (intra-Asia) (chiếm khoảng 10%).
Tăng trưởng khối lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường hàng không thông qua những trung tâm hàng không lớn nhất thế giới như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và sân bay Heathrow (Anh) đã bắt đầu giảm xuống kể từ giữa năm 2017. Đến cuối năm 2018, thị trường vận tải hàng không đã ghi nhận sự sụt giảm về tốc độ tăng trưởng khối lượng hàng hoá vận chuyển so với năm trước.
Sự suy thoái của thị trường vận chuyển hàng không trở nên tồi tệ hơn trong suốt 9 thàng đầu năm 2019 trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở nên căng thăng hơn khiến các hoạt động sản xuất toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực. FedEx, một trong những hãng vận chuyển hàng hoá có đội bay lớn nhất thế giới, đã phải tạm ngưng khai thác đội bay 10 chiếc A310 và cắt giảm đáng kể số giờ bay do nhu cầu vận chuyển giảm mạnh.
Chỉ đến cuối quý 3 và trong quý 4/2019, khối lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường hàng không mới có dấu hiệu ổn định khi các nhà đầu tư lạc quan hơn về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu tìm cách tháo gỡ những xung đột thương mại. Tuy nhiên, đà phục hồi của thị trường vận tải hàng không không kéo dài lâu khi khối lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường hàng không lại giảm xuống trong tháng 1/2020.
Trong tháng 1/2020, khối lượng hàng hoá vận chuyển qua Sân bay quốc tế Hồng Kông – cảng vận chuyển hàng không bận rộn nhất thế giới đã giảm gần 11% so với cùng kỳ năm 2019, và giảm 14% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, sự sụt giảm này được ghi nhận trước khi cả dịch virus Corona (Covid-19) được công bố chính thức bùng phát tại Trung Quốc.
Một số nhà phân tích có thể nhìn nhận sự sụt giảm lưu lượng hàng hoá qua Hồng Kông có thể do tính nhạy cảm vị trí địa lý của hòn đảo này trong cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc kết hợp với tình trạng bạo động tăng cao tại khu vực. Tuy nhiên, khối lượng hàng hoá được luân chuyển trong tháng 1/2020 qua Sân bay Heathrow (London), cửa ngõ giao thương chính của Châu Âu và cách xa Hồng Kông hơn 9.000 km, cũng giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 13% so với năm 2018. Điều này có thể cho thấy “sức khoẻ” của các chuỗi sản xuất toàn cầu vẫn chưa ổn định trong bối cảnh Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ chỉ đạt 2,5%.
Theo WB, tăng trưởng tại nhóm các nền kinh tế hiện đại được dự báo sẽ giảm xuống 1,4% trong năm 2020, một phần do sản xuất chế tạo và chế biến tiếp tục chững lại. Tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự kiến sẽ tăng lên 4,1% trong năm nay. Tuy nhiên, quá trình phục hồi diễn ra không đồng đều, tăng trưởng sẽ giảm tốc ở khoảng một phần ba các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi trong năm nay do đầu tư và xuất khẩu yếu hơn so với dự kiến.
Sự bùng phát bất ngờ của dịch virus Corona (Covid-19) tại Trung Quốc – một trong những trung tâm sản xuất chính của thế giới, là một đòn giáng mới vào thị trường vận tải hàng không khi mà nhiều chuỗi sản xuất toàn cầu bị tê liệt do phụ thuộc vào các nhà máy tại Trung Quốc. Các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải hàng không cho biết vẫn chưa thể tính toán hết tác động của dịch bệnh đến nhu cầu vận chuyển hàng hoá.
Tuy nhiên, nhiều hãng vận chuyển hàng hoá cho biết nhu cầu vận chuyển hàng hoá đã giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc; thậm chí một số hãng đã phải huỷ bỏ toàn bộ lịch vận chuyển hàng hoá tại Trung Quốc vô thời hạn. Bộ ba hãng vận chuyển hàng hoá bằng đường không lớn nhất thế giới là DHL, FedEx và UPS cho biết sẽ vẫn duy trì các tuyến vận chuyển hàng hoá đến và đi từ Trung Quốc nhưng tần suất các chuyến hàng sẽ bị giảm đáng kể.