Ngày 20/2, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết phiên họp bàn kế hoạch khai thác năm 2020 giữa khối OPEC và 10 quốc gia khai thác dầu thô đồng mình (khối OPEC+) sẽ diễn ra vào tuần đầu tiên của tháng 3 theo lịch trình dự kiến. Trước đó, thị trường đã kỳ vọng khối OPEC+ sẽ phải tiến hành nhóm họp sớm nhằm cân nhắc việc đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô trong bối cảnh dịch virus Covid-19 tác động tiêu cực đến nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu.
Cách đây 2 tuần, trong một phiên họp khẩn cấp của khối OPEC, Nga đã từ chối đồng ý đề xuất đẩy mạnh cắt giảm khai thác thêm 600.000 thùng/ngày trong quý 1/2020 nhằm hỗ trợ giá dầu thô. Bất chấp những thúc giục của Ả-rập Xê-út, quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ hai thế giới, Nga cho biết vẫn cần thêm thời gian để đánh giá tác động của dịch virus Covid-19 đến thị trường dầu mỏ. Nga hiện là quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ ba thế giới và có tiếng nói quan trọng trong khối OPEC+.
Khi các tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác dần rõ hơn trong tháng 2/2020, OPEC đã dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2020 giảm 230.000 thùng xuống còn 0,99 triệu thùng/ngày. Một số tổ chức nghiên cứu đưa ra mức dự báo tiêu cực hơn như Viện nghiên cứu năng lượng Oxford dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô của riêng Trung Quốc trong quý 1/2020 sẽ giảm ít nhất 500.000 thùng/ngày. Trong khi đó Bộ Năng lượng Nga cho rằng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ chỉ sụt giảm tối đa 200.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, nếu dịch bệnh khiến nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu giảm mạnh hơn cả con số tiêu cực nhất thì một số chuyên gia cho rằng Nga cũng không nên đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác mà có thể cân nhắc tận dụng cơ hội để rút khỏi thoả thuận hạn chế khai thác của khối OPEC+ vì nhiều lý do chiến lược.
Gia tăng thị phần thị trường Châu Á
Thứ nhất, sự cạnh tranh tại thị trường Châu Á, thị trường trọng điểm của Nga trong những năm gần đây, đang ngày càng tăng cao và việc giữ giá dầu thô ở mức hợp lý sẽ giúp Nga gia tăng thị phần tại đây. Các thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác mà Nga đang tham gia đang kiềm chế tham vọng mở rộng thị phần tại khu vực Châu Á của nước này.
Theo dữ liệu của tập đoàn dầu khí BP, trong giai đoạn từ 2016 – 2018, Nga đã giảm 14% lượng dầu xuất khẩu sang khu vực Châu Âu (giảm từ 177,4 triệu tấn xuống 153,3 triệu tấn); đồng thời, tăng hơn 30% lượng dầu xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ (từ 52,8 triệu tấn lên 73,8 triệu tấn).
Ả-rập Xê-út cũng giảm lượng dầu thô cung ứng cho khu vực Châu Âu (giảm khoảng 1,7 triệu tấn); thay vào đó, tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ (tăng khoảng 4,7 triệu thùng).
Trong thời gian tới, lượng xuất khẩu dầu thô của Hoa Kỳ sang Trung Quốc cũng sẽ tăng cao khi Trung Quốc thực thi thoả thuận thương mại giai đoạn 1 với Hoa Kỳ. Theo thoả thuận, Trung Quốc đồng ý mua lượng dầu thô, khí tự nhiên hoá lỏng và các sản phẩm năng lượng khác với tổng trị giá lên đến 52,4 tỷ USD từ Hoa Kỳ từ nay cho đến cuối năm 2021.
Sự gia tăng cạnh tranh trên thị trường Châu Á sẽ càng khiến cho việc thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp khai thác dầu khí của Nga trở nên khó khăn hơn. Nhiều tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga như Gazprom Neft hoặc Rosneft đang mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc đẩy mạnh cung cấp dầu mỏ từ bể dầu khổng lồ Đông Siberia cho thị trường Châu Á. Bên cạnh đó, Nga vừa mới thông qua dự án dầu mỏ lớn nhất lịch sử nước này – dự án Vostok với kỳ vọng sẽ giúp tăng GDP của nước này thêm 2%/năm.
Đối với các tập đoàn dầu khí của Nga, thị trường Châu Á đang dần trở thành thị trường đáng tin câỵ và một phương án dự phòng thay thế thị trường Châu Âu trong bối cảnh các quốc gia Châu Âu và Nga thường xuyên có những xung đột địa chính trị.
Việc tăng cường khai thác tại các dự án dầu mới và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Châu Á chắc chắn sẽ khiến Nga khó tuân thủ được thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác của khối OPEC+. Khối OPEC+ kỳ vọng việc các nước thành viên tuân thủ triệt để thoả thuận cắt giảm sẽ giúp giữ giá dầu trên mức 60 USD/thùng. Ả-rập Xê-út – nước đứng đầu khối OPEC cần giữ giá dầu trên mức 80 USD/thùng để duy trì ngân sách quốc gia.
Tuy nhiên, mức giá này “quá cao” đối với nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ trong bối cảnh tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2019 chỉ đạt 6,2% (mức thấp nhất trong 30 năm qua); tăng trưởng GDP của Ấn Độ là 4,8% (mức thấp nhất trong 11 năm qua). Sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế kết hợp với việc định giá dầu thô “quá cao” sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu dầu thô của hai nước này. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới; trong khi đó, Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu dầu thô nhiều thứ 3 toàn cầu.
Trước khi dịch virus Covid-19 bùng phát, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong quý 1/2020 sẽ chỉ đạt 13,53 triệu thùng/ngày, giảm so với mức 13,84 triệu thùng/ngày trong quý 4/2019.
Phó Thủ tướng Thứ nhất Nga Anton Siluanov từng cho biết ngân sách của Nga sẽ vẫn được giữ vững ngay cả khi giá dầu thô giảm về mức 42 USD/thùng. Việc giá dầu thô sụt giảm chắc chắn sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu của Ấn Độ và Trung Quốc, như vậy các doanh nghiệp dầu khí của Nga có thể tận dụng cơ hội để gia tăng thị phần. Do đó Nga ít có lý do để vội vàng cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô hơn nữa nhằm đẩy giá dầu thô tăng lên.
Chủ động đối phó với sự trỗi dậy của Hoa Kỳ
Thứ hai, Nga có thể cân nhắc rời bỏ khối OPEC+ để chủ động thực hiện các biện pháp đối phó với sự trỗi dậy của ngành công nghiệp dầu khí Hoa Kỳ thay vì chỉ phụ thuộc vào công cụ cắt giảm sản lượng khai thác đang được khối OPEC+ áp dụng thường xuyên.
Mặc dù trong năm 2019, Nga đã trở thành một trong ba quốc gia cung ứng dầu mỏ và sản phẩm từ dầu mỏ lớn nhất cho Hoa Kỳ, Hoa Kỳ vẫn không được Nga đánh giá là thị trường tiềm năng trong dài hạn. Sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Nga sang Hoa Kỳ chủ yếu do Hoa Kỳ áp đặt cấm vận đối với Venezuela và Iran – hai nhà cung cấp năng lượng truyền thống cho Hoa Kỳ. Điều này khiến các doanh nghiệp Hoa ỳ phải gia tăng nhập khẩu từ các quốc gia khác để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ Venezuela và Iran.
Nếu nhu các yếu tố địa chính trị thay đổi, một khi lệnh cấm vận đối với Venezuela và Iran được Hoa Kỳ gỡ bỏ thì thị trường nước sẽ quay trở lại nhập khẩu năng lượng từ hai đối tác truyền thống và làm giảm thị phần của các doanh nghiệp dầu khí Nga.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ đang ngày càng tự chủ hơn trong việc cung ứng năng lượng. Cuộc cách mạng công nghệ khai thác dầu đá phiến đã giúp gia tăng mạnh sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ, đồng thời làm giảm sự phụ thuộc của nước này vào các nguồn nhập khẩu năng lượng.
Trong tháng 9/2019, lần đầu tiên kể từ năm 1949, Hoa Kỳ đạt trạng thái xuất khẩu ròng dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ. Lượng xuất khẩu dầu mỏ ròng của Hoa Kỳ đạt 771.000 thùng/ngày trong tháng 11/2019, dự kiến sẽ tăng lên mức 790.000 thùng/ngày trong tháng 2/2020 và sẽ đạt mức 1,16 triệu thùng/ngày trong năm 2021, theo dự báo của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA).
Con số thực tế có thể cao hơn mức dự báo của EIA trong bối cảnh nhiều hãng khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ đang tiến hành hợp nhất để nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh, điều này sẽ thúc đẩy việc khai thác diễn ra mạnh hơn, kéo theo đó là sản lượng xuất khẩu tăng lên.
Cùng với đó, việc gia tăng đầu tư vào các điểm khai thác dầu thô tại khu vực Vịnh Mê-xi-cô được dự báo sẽ giúp nâng mức xuất khẩu dầu của Hoa Kỳ và đưa Hoa Kỳ, cùng với Nga và Ả-rập Xê-út trở thành 3 quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới vào năm 2024.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Hoa Kỳ trên thị trường dầu mỏ khiến khối OPEC và Nga cần phải có các biện pháp chiến lược kiểm soát thị trường hiệu quả hơn trong dài hạn thay vì chỉ phụ thuộc vào công cụ cắt giảm sản lượng khai thác. Do đó, sự bùng phát của dịch virus Covid-19 có thể là thời điểm tốt để Nga bắt đầu thực hiện các bước đi độc lập hơn để bảo vệ thị phần thay vì phải phụ thuộc vào khối OPEC+.
Đối với khối OPEC - tổ chức được thành lập để kiểm soát thị trường dầu mỏ, 13 thành viên của tổ chức này đang đối mặt với việc mất dần thị phần trên thị trường dầu mỏ. Theo dữ liệu của hãng phân tích thị trường Refintiv, thị phần của khối OPEC đã giảm từ 38,6% trong quý 4/2016 (thời điểm khối OPEC+ lần đầu tiên thoả thuận cắt giảm sản lượng) xuống còn 34,1% trong quý 4/2019. Trong khi đó, thị phẩn của các nước thuộc khối OECD lại tăng từ 27,6% lên 32,4% trong cùng thời điểm theo dõi.
Sự sụt giảm thị phần sẽ càng khiến việc kiểm soát thị trường của khối OPEC trở nên khó khăn hơn và công cụ cắt giảm sản lượng khai thác cũng khó phát huy tác dụng hơn. Với tất cả lý do nêu trên, Nga hoàn toàn có thể từ chối việc đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác, chuyển toàn bộ định mức cắt giảm sản lượng khai thác (400.000 thùng/ngày) theo thoả thuận với khối OPEC+ sang Ả-rập Xê-út và rời khỏi khối OPEC+. Sau đó, Nga có thể dần chủ động các quyết định trong hoạch định chiến lược để bảo vệ vị thế của mình trên thị trường dầu mỏ.