Thúc đẩy triển khai các hoạt động hợp tác năng lượng trong MOU giữa Việt Nam và IEA

Thời gian tới, Bộ Công Thương Việt Nam và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) sẽ triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ đã ký và xây dựng lộ trình Việt Nam trở thành quốc gia liên kết của IEA.
Bộ Công Thương
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long có buổi làm việc trực tuyến với Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol về hợp tác an ninh năng lượng

Theo Cục Điện lực, ngày 18/7/2025, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã có buổi làm việc trực tuyến với Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol.

Tham dự buổi làm việc, về phía Việt Nam có đại diện Cục Điện lực; Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công; Vụ Dầu khí và Than; Viện Năng lượng.

Về phía IEA có Trưởng ban Hệ thống điện Brent Wanner, Chuyên viên Ban Hệ thống điện Great Vindra Tiwari.

Tại cuộc họp, 2 bên đã trao đổi các nội dung liên quan đến kế hoạch triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ (MOU) đã ký giữa Bộ Công Thương và IEA và lộ trình Việt Nam trở thành quốc gia liên kết (association country) của IEA.

Để triển khai các hoạt động được nêu trong MOU, hai bên dự kiến triển khai Chương trình hợp tác giai đoạn 2025 - 2026 theo các cơ chế: (1) Tổ chức hội thảo trực tuyến về hạt nhân do IEA chủ trì; (2) Tổ chức Tuần lễ khu vực Đông Nam Á về hiệu quả năng lượng trong tháng 12 năm 2025; (3) Tổ chức hội thảo trực tiếp tại Việt Nam về tích hợp năng lượng tái tạo (VRE); (4) Xây dựng báo cáo của IEA về hệ thống lưu trữ năng lượng pin (BESS) tại Đông Nam Á - tập trung đặc biệt vào Việt Nam, Indonesia và Thái Lan; (5) Xây dựng Lộ trình an ninh năng lượng Đông Nam Á (ASEAN)…

năng lượng
Hai bên trao đổi các nội dung liên quan đến kế hoạch triển khai Chương trình hợp tác giai đoạn 2025 - 2026 

Về lộ trình trở thành quốc gia liên kết của IEA, Giám đốc IEA cho biết, phía IEA sẽ gửi thông tin cho Bộ Công Thương về các quy định và lộ trình trở thành quốc gia liên kết của IEA để Bộ Công Thương tham khảo và triển khai. Cụ thể, IEA và các quốc gia liên kết sẽ cùng nhau hợp tác trên ba khía cạnh khác nhau của an ninh năng lượng:

Thứ nhất, các quốc gia liên kết sẽ bày tỏ ưu tiên chung về tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp hiệu quả chung để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về cung cấp dầu mỏ bằng cách phát triển các hệ thống ứng phó khẩn cấp.

Thứ hai, các quốc gia liên kết sẽ xây dựng và duy trì dự trữ khẩn cấp và hợp tác với IEA trong việc sử dụng dự trữ này khi xảy ra các trường hợp khẩn cấp.

Thứ ba, các quốc gia liên kết sẽ hợp tác với IEA để kiểm tra mức độ sẵn sàng ứng phó với tình trạng gián đoạn nguồn cung thông qua các cuộc tập trận ứng phó khẩn cấp của IEA, đánh giá ứng phó khẩn cấp hoặc các biện pháp khác.

Hiện tại, IEA đang có 13 quốc gia liên kết. Tại khu vực ASEAN có Indonesia và Singapore đang là quốc gia liên kết của IEA.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) là một tổ chức quốc tế tự trị có trụ sở ở Paris, được thành lập trong khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào năm 1974. IEA có một vai trò lớn trong việc xúc tiến các nguồn năng lượng thay thế (bao gồm cả năng lượng tái tạo), các chính sách năng lượng hợp lý, và việc hợp tác kỹ thuật học năng lượng đa quốc gia.

IEA đã và đang triển khai các kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa công nghệ năng lượng; hợp tác với nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế để đảm bảo các hệ thống năng lượng an toàn, giá cả phải chăng và bền vững; đảm bảo ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với các sự cố gián đoạn nguồn cung lớn ảnh hưởng tới an ninh dầu mỏ; đào tạo nguồn nhân lực trong quan hệ đối tác lâu dài với các quốc gia đối tác...

Thanh Hòa