Than nhiệt lượng trở thành mặt hàng mới nhất được Chính phủ Trung Quốc nhắm đến trong chiến dịch kiểm soát đà tăng vọt của giá các loại hàng hoá nguyên liệu thô. Việc giá các loại nguyên liệu đầu vào liên tục tăng kỷ lục đang ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi kinh tế Trung Quốc và khiến rủi ro lạm phát ngày càng trở nên hiện hữu hơn.
Cụ thể, hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) dẫn lời nguồn tin cho biết giới chức lãnh đạo Trung Quốc đang thảo luận việc áp mức giá trần đối với giá bán than nhiệt lượng cao của các mỏ khai thác nội địa nhằm ngăn chặn việc giá năng lượng tăng vọt khi nhu cầu tiêu thụ sẽ đạt đỉnh trong những tháng mùa hè tới đây.
Nguồn tin trên cũng cho biết việc áp mức giá trần này đang được thử nghiệm tại khu mỏ Yulin - một trong những mỏ khai thác than lớn nhất tại tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc).
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đang cân nhắc việc áp mức giá trần từ 900 Nhân dân tệ (141 USD) – 930 Nhân dân tệ/tấn than nhiệt lượng cao được nhập khẩu tại cảng Thanh Đảo nước này. Giá than nhập khẩu tại cảng Thanh Đảo thường được xem là mốc giá chuẩn cho giá than trên toàn Trung Quốc.
Theo đó, giới chức Trung Quốc sẽ khuyến cáo các doanh nghiệp nước này không nhập khẩu than với giá cao hơn mức giá đề xuất trên. Nguồn tin của hãng Bloomberg cho biết phương án này đang được áp dụng thử nghiệm tại một số nhà máy phát điện thuộc Chính phủ Trung Quốc.
Vào ngày 19/5 vừa qua, giá than nhiệt lượng cao nhập khẩu tại cảng Thanh Đảo đã đạt mức cao nhất lịch sử 962 Nhân dân tệ/tấn. Mặc dù, mức giá trên đã giảm xuống hiện còn 865 Nhân dân tệ/tấn nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với mức trung bình 547 Nhân dân tệ/tấn.
Giá than tại thị trường Trung Quốc đã tăng vọt kể từ đầu năm đến nay khi nhu cầu tăng mạnh nhờ hoạt động kinh tế phục hồi nhưng nguồn cung nội địa và nhập khẩu thiếu hụt.
Trước đó, vào tháng 12/2020, Trung Quốc đã nỗ lực kiểm soát giá than khi yêu cầu các doanh nghiệp ngành điện nước này giới hạn mức giá mua than cao nhất ở khoảng 640 Nhân dân tệ/tấn. Trong những năm gần đây, Trung Quốc cố gắng giữ giá than trong khoảng từ 500 – 570 Nhân dân tệ/tấn và tiến hành can thiệp thị trường dưới một số hình thức khi giá vượt quá mức 600 Nhân dân tệ/tấn.
Tuy nhiên, nỗ lực bình ổn giá than của Trung Quốc lần này sẽ gặp nhiều thách thức khi nhu cầu sử dụng tiếp tục tăng mạnh khi nhu cầu điện năng đạt đỉnh trong những tháng mùa hè tới đây; trong khi đó, một số mỏ than nội địa có thể buộc phải đóng cửa nhằm đảm bảo an toàn lao động sau một loạt các vụ tai nạn hầm mỏ gần đây.
Bên cạnh đó, nguồn cung than nhập khẩu của Trung Quốc hiện đối mặt với nhiều bất ổn khi quan hệ giữa nước này và Australia rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Khoảng 50% lượng than nhập khẩu của Trung Quốc hiện đến từ Australia. Hiện các nhà xuất khẩu than tại Australia đang tập trung nhiều hơn vào các thị trường khác như Ấn Độ, Việt Nam và Bangladesh.