Trong vòng 1 năm trở lại đây, đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc đã tăng giá gần 12% so với USD. Việc đồng CNY tăng mạnh đang khiến giá hàng hoá của Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn tại thị trường nước ngoài, làm suy giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc so với các nước khác. Trong khi đó, xuất khẩu đang đóng góp quan trọng vào sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Trung Quốc đẩy mạnh can thiệp kiểm soát tỷ giá
Trong vòng 6 ngày liên tiếp tính đến ngày 1/6 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã thiết lập mức tỷ giá bình quân của đồng CNY so với đồng USD hôm sau cao hơn hôm trước. Trong ngày 31/5, PBoC đã nâng tỷ giá CNY/USD lên mức 6,3682 CNY đổi 1 USD – mức cao nhất kể từ giữa tháng 5/2018.
Tuy nhiên, liên tiếp trong hai ngày 2 – 3/6, PBoC điều chỉnh hạ mức tỷ giá bình quân của đồng CNY so với đồng USD xuống còn mức 6,3811 CNY đổi 1 USD; theo đó, tỷ giá giữa đồng CNY và đồng USD trên thị trường Đại lục và ngoài Đại lục cũng giảm theo. Trong ngày 4/6, tỷ giá đã giảm về còn 6,3989 CNY đổi 1 USD trên thị trường ngoài Đại lục.
Những năm qua, PBoC đã có nhiều nỗ lực nhằm cho phép thị trường đóng một vai trò lớn hơn trong việc quyết định tỷ giá đồng CNY. Tuy nhiên, PBoC vẫn duy trì một phần sự kiểm soát tỷ giá đồng nội tệ thông qua tỷ giá tham chiếu hàng ngày, cho phép tỷ giá CNY dao động với biên độ 2% xung quanh mức tham chiếu.
Bên cạnh đó, PBoC yêu cầu các định chế tài chính của nước này phải tăng tỷ lệ dự trữ ngoại tệ thêm 2 điểm phần trăm, từ 5% như hiện nay lên 7% kể từ ngày 15/6/2021. Đây cũng là lần đầu tiên sau 14 năm kể từ hồi tháng 5/2007, PBoC yêu cầu nâng tỷ lệ dự trữ ngoại tệ tại các định chế tài chính. Lần ra yêu cầu trước đây của PBoC diễn ra ngay trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra.
Các ngân hàng tại Trung Quốc hiện đang nắm giữ lượng dự trữ USD trị giá khoảng 1.000 tỷ USD bao gồm các khoản thu từ hoạt động xuất khẩu và vốn đầu tư nước ngoài chưa được chuyển đổi. Yêu cầu mới của PBoC sẽ buộc các ngân hàng tại Trung Quốc phải giữ lại lượng USD lớn hơn, rút bớt ngoại tệ khỏi lưu thông, siết lại dòng vốn bằng USD chảy vào thị trường, qua đó kìm hãm tốc độ tăng giá của đồng CNY trong dài hạn.
Ông Shuang Ding, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại tập đoàn Standard Chartered (Anh), nhận định “PBoC nhắm đến việc siết chặt thanh khoản ngoại tệ, đẩy lãi suất đối với ngoại tệ lên cao hơn từ đó giảm bớt áp lực tăng giá của đồng CNY”.
Các tính toán cho thấy yêu cầu mới của PBoC sẽ giúp rút khoảng 20 tỷ USD ra khỏi lưu thông trên thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định con số chính xác về lượng USD rút khỏi lưu thông không quan trọng bằng thông điệp mà PBoC muốn gửi đi rằng đồng CNY sẽ không biến động theo một chiều là tăng giá không ngừng so với đồng USD.
Dòng tiền nóng tìm kiếm lợi nhuận
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực giữ vững đà tăng trưởng kinh tế nước này trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Để đối phó với cú sốc kinh tế dưới các tác động của dịch bệnh, Hoa Kỳ và nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã áp dụng chính sách tiền tệ và tài khoá siêu nới lỏng; trong khi đó, Trung Quốc áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế ở mức độ chặt chẽ hơn. Điều này đã khiến các loại tài sản tại Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư toàn cầu.
Trái phiếu Chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm hiện có mức lợi suất khoảng 3,07%, trong khi trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ cùng kỳ hạn chỉ có mức lợi suất khoảng 1,62%. Chênh lệch lợi suất như vậy tạo ra một vòng xoáy hút vốn vào các tài sản định giá bằng đồng CNY, đẩy đồng tiền này tăng giá. Khi đồng CNY đã tăng giá thì dòng vốn từ bên ngoài lại càng đổ thêm vào Trung Quốc.
Ông Xu Hongcai, Phó giám đốc Uỷ ban Chính sách kinh tế thuộc Hiệp hội Khoa học chính sách Trung Quốc nhận định động thái của PBoC đã phát đi “tín hiệu mạnh mẽ”. Các động thái mới của PBoC được nhận định có mức độ điều chỉnh tương đối lớn và được xem là một dạng thắt chặt chính sách tiền tệ cục bộ.
Theo ông Xu Hongcai việc PBoC yêu cầu các định chế tài chính của Trung Quốc nâng mức dự trữ ngoại tệ thêm 2% sẽ giúp hạn chế tình trạng đầu cơ trên thị trường ngoại tệ. Bên cạnh việc giảm tỷ giá tham chiếu, tăng tỷ lệ dự trữ ngoại tệ, giới chức Trung Quốc còn đồng loạt gửi các thông điệp đến công chúng nhằm ngăn chặn các biến động lớn đối với đồng CNY.
Dự báo triển vọng tỷ giá Nhân dân tệ
Theo một thông báo trên website của PBoC, tỷ giá hối đoái sẽ không thể được sử dụng như một công cụ để kích thích xuất khẩu hoặc để bù đắp ảnh hưởng của việc giá nguyên vật liệu thô tăng mạnh như hiện nay.
Ông Sheng Songcheng, cựu giám đốc phụ trách mảng khảo sát và thống kê của PBoC, dự đoán sự tăng giá nóng của đồng CNY so với đồng USD hiện nay sẽ không kéo dài trong bối cảnh đồng Hoa Kỳ được dự báo sẽ phục hồi tốt trong nửa cuối năm nay, kéo theo đó là đồng USD tăng giá trở lại. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về lãi suất giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng được thu hẹp sẽ giúp kìm hãn dòng tiền nóng ngắn hạn chảy vào thị trường Trung Quốc.
Tập đoàn tài chính China Renaissance (Trung Quốc) dự báo tỷ giá CNY/USD sẽ được giữ ở khoảng 6,4 CNY đổi 1 USD trong năm nay và năm sau. Trong khi đó, tập đoàn Macquarie (Australia) cho rằng đồng CNY có thể giảm nhẹ về mức 6,55 CNY đổi 1 USD với kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ siết chặt chính sách tiền tệ, thặng dư thương mại của Trung Quốc giảm và dòng vốn ngoại rút dần khỏi Trung Quốc khi xuất hiện các điểm đầu tư mới.
Trong tháng 5 vừa qua, tập đoàn Morgan Stanley (Hoa Kỳ) đã điều chỉnh giảm dự báo tỷ giá CNY còn 6,48 CNY đổi 1 USD vào cuối năm nay, giảm so với mức dự báo 6,25 CNY đổi 1 USD đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, một số tập đoàn tài chính lớn khác lại dự báo đồng CNY sẽ tiếp tục tăng lên từ nay đến cuối năm. Các nhà phân tích thuộc Citi Securities (Hoa Kỳ), Westpac Banking (Australia) và Scotiabank (Canada) dự báo tỷ giá sẽ sớm đạt mức 6,2 CNY đổi 1 USD trên thị trường Đại lục.