Giá thực phẩm tiệm cận mức cao nhất 10 năm
Dữ liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy chỉ số giá lương thực toàn cầu FAO trong tháng 5 vừa qua đã đạt mức 127,1 điểm, tăng 4,8% so với hồi tháng 4 vừa qua và tăng tới 39,7% so với hồi tháng 5/2020. Đây cũng là tháng tăng thứ 12 liên tiếp của chỉ số giá lương thực toàn cầu, xác lập mạch tăng giá dài nhất trong 10 năm trở lại đây.
Tất cả 5 nhóm chỉ số thành phần cấu thành chỉ số giá lương thực toàn cầu, đo lường từ giá dầu thực vật đến giá thịt, đều đã tăng lên trong tháng 5/2021. Điều này làm gia tăng rủi ro lạm phát trên diện rộng và khiến các ngân hàng trung ương trên toàn cầu phải thận trọng hơn trong các hoạt động kích thích kinh tế.
Chỉ số giá ngũ cốc của FAO đã tăng thêm 6% trong tháng 5 vừa qua, chủ yếu do giá ngô tăng mạnh. Giá ngô trên thị trường quốc tế hiện đã cao hơn tới 89,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh hạn hán diễn ra nghiêm trọng tại Brazil khiến nguồn cung ngô toàn cầu sụt giảm. Tuy nhiên, giá ngô đang có dấu hiệu hạ nhiệt kể từ cuối tháng 5 khi triển vọng canh tác ngô tại Hoa Kỳ được cải thiện.
Hạn hán tại Brazil cũng khiến hoạt động thu hoạt đường của nước này gặp nhiều khó khăn và đối mặt rủi ro suy giảm sản lượng. Điều này đã đẩy chỉ số giá đường của FAO tăng 6,8% trong tháng 5/2021. Brazil hiện là quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất và xuất khẩu ngô lớn thứ hai thế giới.
Chỉ số giá dầu thực vật của FAO tăng tới 7,8% trong tháng trước khi giá dầu cọ, dầu đậu nành và dầu hạt cải đồng loạt tăng lên. Trong đó, giá dầu cọ tăng chủ yếu do sản lượng tại khu vực Đông Nam Á tăng chậm, không đáp ứng được nhu cầu đang bùng nổ trên toàn cầu.
Nhu cầu sử dụng tất cả các loại thịt trên toàn cầu tăng mạnh, đặc biệt là tại Trung Quốc, đã đẩy chỉ số giá thịt của FAO trong tháng 5 vừa qua tăng thêm 2,2%. Chỉ số giá sữa của FAO tuy chỉ tăng 1,8% trong tháng vừa qua nhưng mức giá này hiện cũng cao hơn tới 28% so với cùng kỳ năm 2020.
Bóng ma khủng hoảng lương thực 2008 – 2011
Hiện chỉ số giá lương thực toàn cầu đang tiệm cận mức cao nhất 10 năm vốn được xác lập hồi tháng 9/2011. Đà tăng mạnh của giá các loại lương thực trên toàn cầu hiện nay đang khiến nhiều người liên tưởng đến tình trạng khủng hoảng lương thực giai đoạn 2008 – 2011 khi giá tăng mạnh dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực tại hơn 30 quốc gia.
Chuyên gia kinh tế cấp cao của FAO ông Abdolreza Abbassian nhận định “Thế giới có rất ít dư địa tăng sản lượng trước bất kỳ cú sốc sản xuất hay sự bùng nổ nhu cầu bất ngờ. Bất kỳ điều gì trong số này cũng có thể đẩy giá lương thực tăng cao và khiến mọi người lo lắng”.
Tuy nhiên, tình hình hiện tại được giới quan sát nhận định vẫn chưa đến mức căng thẳng như giai đoạn 2008 – 2011 khi giá dầu thô quốc tế gần chạm mức 150 USD/thùng – mức gấp đôi hiện tại cùng với đó là xu hướng hạn chế bán ra của các nước sản xuất ngũ cốc lớn.
Ông Abdolreza Abbassian cũng cho biết đà tăng mạnh của giá thực phẩm trong giai đoạn vừa qua chủ yếu do Trung Quốc thu mua một lượng ngũ cốc "khổng lồ không thể đoán trước".
Hiện nay, dự trữ lương thực của thế giới tương đối ổn định trong niên vụ 2021/2022. Giá gạo, một trong những mặt hàng lương thực chính trên toàn cầu, hiện vẫn được giữ ổn định và đóng vai trò quan trọng khiến tình trạng tăng vọt giá lương thực không trở nên trầm trọng hơn.
"Chúng ta không ở trong hoàn cảnh như những năm 2008-2010, khi lượng hàng tồn kho thực sự thấp và rất nhiều thứ diễn ra đồng thời. Tuy nhiên, chúng ta đang ở trong một ranh giới cần được theo dõi rất chặt chẽ trong vài tuần tới, bởi vì thời tiết có thể sẽ thực sự tạo ra những vấn đề thực sự lớn", ông Abdolreza Abbassian cho biết.
Thời tiết mùa hè trên khắp Bắc Bán cầu tới đây sẽ rất quan trọng để xác định xem liệu thu hoạch nông sản của Hoa Kỳ và Châu Âu có thể bù đắp cho sự thiếu hụt sản lượng ở những nơi khác hay không.
Nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế kém phát triển và phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, đang bắt đầu cảm nhận sức nóng của việc giá lương thực tăng cao. Tình trạng nghèo đói và an ninh lương thực tại nhiều nước đã trở nên tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây khi sự bùng phát của đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng lương thực, cùng với đó là thời tiết khắc nghiệt và các xung đột địa chính trị.