Dữ liệu mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy chỉ số giá lương thực trên toàn cầu trong tháng 4 vừa qua đã chạm mức cao kỷ lục kể từ tháng 5/2014. Đây cũng là tháng thứ 11 liên tiếp ghi nhận giá lương thực trên toàn thế giới tăng lên.
Cụ thể, chỉ số giá lương thực toàn cầu của FAO trong tháng 4/2021 đạt trung bình 120,9 điểm, tăng 1,7% so với hồi tháng 3 trước đó và cao hơn tới 30,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá hiện nay chỉ còn thấp hơn khoảng 12% so với mức cao nhất mọi thời đại được xác lập vào tháng 2/2011.
Trong số các nhóm hàng thực phẩm được FAO theo dõi, chỉ số giá đường đã bật tăng mạnh nhất trong tháng 4 vừa qua với mức tăng 3,9% so với tháng 3/2021 và cao hơn 60% so với cùng kỳ tháng 4/2020. Nhu cầu thu mua đường trên thị trường quốc tế đã tăng mạnh trong thời gian qua do nhiều quốc gia lo ngại nguồn cung đường sẽ bị thiếu hụt trong niên vụ 2020/2021 khi thu hoạch mía đường tại Brazil diễn ra chậm và thời tiết xấu làm giảm sản lượng đường của Pháp – quốc gia sản xuất đường lớn nhất Châu Âu.
Chỉ số giá dầu thực vật của FAO tăng thêm 1,8% trong tháng 4/2021 chủ yếu do giá dầu cọ thế giới tăng mạnh khi sản lượng của các quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới thấp hơn dự báo. Giá dầu cọ tăng cũng đẩy giá một số loại dầu thực vật khác như dầu đậu nành và dầu hạt cải tăng lên. Tuy nhiên, dầu hạt hướng dương lại giảm xuống trong tháng vừa qua do nhu cầu trên toàn cầu với loại dầu này suy giảm.
Đối với mặt hàng thịt, việc giá thịt bò và thịt cừu tăng đã đẩy chỉ số giá thịt của FAO tăng 1,7% trong tháng 4/2021. FAO cho biết nhu cầu sử dụng thịt của khu vực Đông Á hiện ở mức cao. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của khu vực Châu Á tăng đã khiến chỉ số giá sữa và các sản phẩm từ sữa của FAO đã tăng 1,2% trong tháng trước. Giá toàn bộ các loại sữa và sản phẩm từ sữa như bơ, bột sữa tách kem và phô mai đều tăng lên trong thời gian qua.
Chỉ số giá các loại ngũ cốc của FAO trong tháng 4/2021 tăng 1,2% so với tháng 3 trước đó và cao hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, các lo ngại về sản lượng ngô của Argentina, Brazil và Hoa Kỳ ở mức thấp trong thời gian qua đã đẩy giá ngô tăng thêm 5,7% trong tháng 4/2021. Theo dữ liệu của FAO, giá ngô hiện cao hơn 66,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2013 trở lại đây.
Ngược lại, giá gạo trên thị trường quốc tế đã giảm xuống trong tháng 4 vừa qua, chủ yếu do sự biến động tỷ giá giữa đồng nội tệ của các nước xuất khẩu gạo lớn với đồng USD cũng như giao dịch gạo trên thị trường trở nên trầm lắng hơn. FAO cho biết việc tắc nghẽn hoạt động vận chuyển và giá cước vận tải ở mức cao đã khiến số đơn hàng mua gạo mới giảm xuống.