Theo trang tin tức chuyên về thị trường logistics The Load Star, giá cước vận chuyển container đường biển trên các tuyến từ Châu Á đến Châu Âu sẽ tiếp tục neo ở mức cao trong tuần này, thậm chí có xu hướng tăng lên trong thời gian tới mặc dù giá cước trên mốt số tuyến vận chuyển chính khác như tuyến Châu Á – Bờ Đông Hoa Kỳ đã giảm nhẹ trong tuần vừa qua.
Giá cước dự kiến tiếp tục ở mức cao
Cụ thể, chỉ số giá cước vận chuyển container Freightos Baltic Index trong cuối tuần trước (ngày 28/5) cho thấy giá cước vận chuyển 1 container 40 feet (FEU) đã giảm nhẹ xuống mức 7.358 USD/1 FEU so với mức 7.477 USD/1 FEU trong tuần trước nữa. Chỉ số giá cước vận chuyển container Freightos Baltic Index là một trong những chỉ số giá cước quốc tế được dùng phổ biến để đo lường mức biến động giá cước vận chuyển container loại 40 feet trên toàn cầu.
Trên các tuyến vận chuyển xuyên Đại Tây Dương, giá cước vận chuyển tuyến Bắc Âu – Bờ Đông Hoa Kỳ đã giảm xuống còn 4.076 USD/1 FEU so với mức 4.274 USD1 FEU trong tuần trước nữa. Trong tháng 4/2021, mức giá cước vận chuyển trên tuyến này đã tăng gấp đôi do tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển Châu Âu cũng như tại Hoa Kỳ.
Trong khi đó, giá cước vận chuyển trên các tuyến xuyên Thái Bình Dương, từ khu vực Châu Á đến Bờ Tây Hoa Kỳ đang có xu hướng đi ngang, dao động quanh mức 5.379 USD/1 FEU.
Tuy nhiên, giá cước vận chuyển trên các tuyến từ khu vực Châu Á – Châu Âu đang tăng mạnh. Trong tuần trước, chỉ số giá cước Freightos Baltic Index giao ngay trên tuyến Châu Á – Bắc Âu đã tăng đến 9,1% lên 9.871 USD/1 FEU; và mức giá cước trên tuyến Châu Á – Địa Trung Hải đã tăng 6,1% lên mức 10.214 USD/1 FEU.
Chỉ số giá cước vận chuyển container toàn cầu World Container Index (WCI) cũng cho thấy giá cước trên tuyến Thượng Hải (Trung Quốc) – Rotterdam (Hà Lan) đã tăng 3% trong tuần trước lên mức 10.174 USD/FEU. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của chỉ số này, giá cước tuyến Thượng Hải – Rotterdam vượt ngưỡng 10.000 USD/1 FEU. Chỉ số WCI do hãng tư vấn chuỗi cung ứng đường biển Drewy (Anh) đo lường nhằm phản ánh biến động giá cước vận chuyển container trên toàn cầu.
Giá cước các tuyến xuyên Thái Bình Dương và xuyên Đại Tây Dương được nhận định có thể chứng kiến một đợt tăng giá chung trong tuần này và đẩy mức giá cước giao ngay lên mức cao kỷ lục mới trong bối cảnh thị trường vận tải biển quốc tế vẫn đang trong trạng thái căng thẳng.
Phụ phí vận chuyển tăng kỷ lục
Trang The Load Star cho biết nhiều chủ hàng trên thực tế phải trả mức giá cước vận chuyển cao hơn nhiều so với dữ liệu của các chỉ số do các hãng tàu nâng mạnh mức phụ phí như phí bảo đảm chỗ lên tới 1.000 USD/container.
Một hãng giao nhận vận chuyển tại Anh cho biết “Mức giá cước vận chuyển thực tế 1 container 40 feet từ Trung Quốc đi Anh hiện khoảng 13.000 USD – 14.000 USD và có thể đạt 15.000 USD trong thời gian tới. Mức giá cước này là quá cao và nhiều chủ hàng buộc phải huỷ đơn hàng do giá cước ăn vào biên lợi nhuận. Tình hình chung đang trở nên thực sự đáng lo ngại do giá cước cao khiến việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn và gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung”.
Ông Patrik Berglund, giám đốc điều hành hãng phân tích thị trường vận tải Xeneta (Na Uy), cho biết “Hãng tàu Hapag – Lloyd hiện lên kết hoạch áp mức Phụ phí giá cước vận chuyển tăng (GRI) lên tới 3.000 USD/1 FEU trên tuyến Viễn Đông – Hoa Kỳ kể từ giữa tháng 6/2021. Với những yếu tố nền tảng thị trường như hiện nay thì mức phụ phí này sẽ sớm được áp dụng”.
Một số hãng tàu khác hiện cũng lên kế hoạch áp phụ phí GRI trong khoảng từ 500 USD – 2.500 USD/FEU. GRI chỉ mức phí đánh thêm vào cước phí trên tất cả hoặc một số tuyến đường vận chuyển cụ thể trong một thời gian nhất định, thường vào những đợt cao điểm. GRI thường được quyết định bởi chính các hãng tàu, thông thường dựa trên cơ sở cung – cầu đối với từng tuyến đường.
Việc giá cước vận chuyển giao ngay ở mức cao kỷ lục cũng khiến các hãng vận chuyển và hãng giao nhận gặp khó khăn trong đàm phán các hợp đồng dài hạn với các hãng tàu.
Ông Patrik Berglund nhận định “Với việc các hãng vận chuyển vẫn đang phải thực hiện các chuyến tàu rỗng nhằm tăng cường năng lực chuyên chở ở các tuyến chính và lượng hàng tồn kho của các hãng bán lẻ tiếp tục giảm thì rất khó để giá cước vận chuyển giảm xuống trong tương lai gần”.