Khi giá hầu hết các loại hàng hoá cơ bản, đặc biệt là giá quặng sắt, đồng và đậu tương liên tục tăng, lập những đỉnh giá lịch sử mới, Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo sẽ siết chặt kiểm soát giá hàng hoá. Việc giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao đã đẩy chi phí sản xuất các loại hàng hoá tại Trung Quốc tăng lên, buộc nhiều doanh nghiệp tại nước này phải hoạt động cầm chừng khi biên lợi nhuận suy giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi sản xuất.
Cuối tuần trước, Ủy ban cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) – cơ quan điều hành kinh tế cấp cao nhất của Trung Quốc đã nhóm họp các hãng cung cấp hàng hoá lớn nhất nước nhằm yêu cầu “duy trì trật tự thị trường bình thường” và không để giá hàng hoá tăng cao hơn nữa. NDRC cũng cảnh báo sẽ “trừng phạt nghiêm khắc” những người đầu cơ, thao túng hàng hoá.
Ngay sau đó giá một số hàng hoá như quặng sắt và thép đã giảm xuống. Tuy nhiên, theo 2 tập đoàn tài chính Goldman Sachs và Citigroup của Hoa Kỳ những nỗ lực kiềm chế đà tăng giá hàng hoá của Trung Quốc sẽ vô ích do nước này đã mất khả năng làm chủ thị trường toàn cầu.
Nhà kinh tế học Jeff Currie, trưởng ban nghiên cứu thị trường hàng hoá toàn cầu của Goldman Sachs, nhận định tốc độ hồi phục lực cầu ở các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, sẽ khiến Trung Quốc không còn là nước thu mua hàng hoá lớn nhất và mất đi tầm ảnh hưởng cực lớn trên thị trường hàng hoá như trước đây.
Nhà kinh tế học Ed Morse, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hoá toàn cầu của Citigroup cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Ông Ed Morse cho biết mặc dù Trung Quốc đang rất nỗ lực kiềm chế đà tăng giá hàng hoá cơ bản nhưng tình hình cung – cầu trên thị trường mới là yếu tố tác động mạnh nhất đến diễn biến giá.
Với vai trò là nước nhập khẩu lớn nhất đối với nhiều loại hàng hoá, Trung Quốc hiện ngày càng lo ngại giá hàng hoá đầu vào tăng lên sẽ đẩy lạm phát tăng cao. Sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc đã khiến giá một số hàng hoá giảm nhiệt. Ví dụ, giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc đã giảm hơn 20% kể từ ngày 12/5 tới đây. Tuy nhiên, giá các nguyên liệu thô khác vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống. Chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index – đo lường sự biến động của 23 loại nguyên liệu thô phổ biến trên toàn cầu chỉ giảm khoảng 1% trong cùng kỳ.
Tập đoàn Goldman Sachs thậm chí nhận định việc giá hàng hoá giảm sau khi Chính phủ Trung Quốc lên tiếng cảnh báo giới đầu cơ còn được xem là cơ hội mua vào khi giá các hàng hoá cơ bản khác như đồng và đậu tương đều có xu hướng tiếp tục tăng lên trong dài hạn do thiếu hụt nguồn cung.
Các chuyên gia phân tích nhận định những hành động của Chính phủ Trung Quốc hiện giống như những gì Chính phủ Hoa Kỳ đang làm hồi những năm 2000 – thời điểm thế giới chứng kiến một siêu chu kỳ hàng hoá mới khi nhu cầu hàng hoá bùng nổ, vượt nguồn cung trong thời gian dài. Khi các nhà điều hành không hiểu rõ những gì đang khiến giá hàng hoá tăng mạnh họ đổ lỗi cho giới đầu cơ.
Hãng Freeport-McMoRan, một trong những doanh nghiệp khai thác đồng lớn nhất thế giới, nhận định tình trạng khan hiếm nguồn cung đồng sẽ khiến mọi nỗ lực kiểm soát giá thất bại.
CEO Freeport-McMoRan ông Richard Adkerson nhận định “Trong ngắn hạn, các biện pháp của Trung Quốc có thể gây ra một số tác động. Tuy nhiên, thị trường đồng hiện đang sôi động một cách đặc biệt. Thị trường đang chứng kiến những lực cầu mới nhưng nguồn cung vẫn trong tình trạng khan hiếm”.
Giá đồng trong những tháng gần đây liên tục lập kỷ lục mới khi nhiều nền kinh tế lớn phục hồi và xu hướng phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 khiến các dự báo đều cho thấy nhu cầu sử dụng kim loại này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt nhu cầu sử dụng đồng giờ không chỉ phụ thuộc mạnh vào Trung Quốc như trong quá khứ.
Tập đoàn Goldman Sachs cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thị trường hàng hoá quốc tế không còn chịu sự chi phối mạnh mẽ từ Trung Quốc như trước đây. Nguyên nhân chủ yếu do sức mua của Hoa Kỳ đã tăng lên đáng kể nhờ các gói kích thích kinh tế quy mô lớn chưa từng có của nước này.
Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc không còn hưởng lợi từ lao động giá rẻ hay các tiêu chuẩn môi trường khác biệt với thế giới cùng với các xung đột với các nền kinh tế khác đang khiến ngày càng nhiều hãng sản xuất lớn dịch chuyển khỏi Trung Quốc.