Nhu cầu về hàng hoá cơ bản trên toàn cầu bật tăng mạnh khi một số nền kinh tế lớn phục hồi tốt sau đại dịch Covid-19, thanh khoản cao từ các khoản kích thích kinh tế quy mô lớn chưa từng có kết hợp với sự gián đoạn nguồn cung dưới các tác động của dịch bệnh đã đẩy giá của nhiều loại nguyên liệu thô như đồng, quặng sắt lên mức cao kỷ lục trong thời gian vừa qua.
Một số tập đoàn tài chính lớn trên thế giới đã cảnh báo thị trường có thể đang bước vào một siêu chu kỳ hàng hoá mới với việc giá hàng hoá cơ bản tăng cao liên tục trong nhiều năm. Đặc biệt, các kim loại cơ bản như đồng được dự báo sẽ tăng cao kỷ lục do nguồn cung không theo kịp nhu cầu khi lĩnh vực năng lượng tái tạo và sản xuất xe điện bùng nổ.
Tuy nhiên, ông Geordie Wilkes, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại hãng giao dịch hàng hoá Sucden Financial (Anh), nhận định một siêu chu kỳ hàng hoá mới sẽ khó có thể xuất hiện vào thời điểm hiện tại khi một số ngân hàng trung ương trên thế giới đang bắt đầu giảm mua vào trái phiếu hoặc bắt đầu cân nhắc việc siết chặt lại các chính sách kích thích kinh tế.
Bên cạnh đó, lãi suất tại một số thị trường mới nổi cũng bắt đầu tăng lên cũng như lạm phát ngày càng được quan tâm hơn khi một số quốc gia tìm cách kiểm soát đà tăng của giá hàng hoá, ông Geordie Wilkes cho biết.
Một khảo sát tại hội thảo LME Asia Metals do Sàn giao dịch kim loại London (LME) tổ chức trong ngày 25/5 chi thấy chỉ có 6,49% số người tham gia khảo sát nhận định “siêu chu kỳ hàng hoá” là một từ chính xác để mô tả động lực chính cho xu hướng của thị trường hàng hóa toàn cầu trong 12 tháng tới đây.
Trong khi đó, có đến 33,77% số người được hỏi nhận định “thanh khoản” và “lạm phát”; và 22,08% số người tham gia khảo sát nhận định “Nhu cầu của Trung Quốc và sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển” mới là động lực chính thúc đẩy giá hàng hoá tăng lên trong thời gian tới.
Ông Thomas Horn, trưởng bộ phận hàng hoá và thị trường toàn cầu tại Trung Quốc của tập đoàn Macquarie Group (Australia), nhận định một số ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ bắt đầu thắt chặt các chính sách kích thích kinh tế trong năm 2023.
Tất cả các chuyên gia tại hội thảo LME Asia Metals đều đồng ý rằng xu hướng phát triển năng lượng tái tạo với mục tiêu hướng tới trung hoà khí thải carbon của các nền kinh tế lớn sẽ giúp giá một số kim loại như đồng, nickel và lithium tăng lên.
Một cuộc thăm dò khác tại hội thảo LME Asia Metals cho thấy có đến 52,69% số người được hỏi tin rằng đồng là kim loại được hưởng lợi nhiều nhất trong vòng 6 – 12 tháng tới đây; tiếp theo là lithium (16,13%), nhôm (13,98%), bạc (8,6%), niken (5,38%) và coban (3,23%).
Ông Liu Shoujian, phó giám đốc điều hành của tập đoàn CCB International (Trung Quốc), nhận định đồng là kim loại đáng quan tâm nhất trên thị trường hàng hoá trong thời gian tới khi nhu cầu sử dụng đồng sẽ tăng mạnh nhờ sự phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và phương tiện sử dụng điện.
Trong khi đó, ông Thomas Horn cho biết mặc dù thị trường đồng có thể xuất hiện tình trạng dư cung ở mức thấp trong giai đoạn 2022 – 2023 do nguồn cung phục hồi và tốc độ tăng trưởng nhu cầu trong các lĩnh vực truyền thống ở mức thấp nhưng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ diễn ra dài hạn, qua đó nâng đỡ giá kim loại đồng tăng lên. Dự báo nguồn cung đồng sẽ được ổn định và thị trường có thể chứng kiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào cuối năm 2024 – 2025, theo ông Thomas Horn.