Giá hàng hoá tăng cản trở đà phục hồi kinh tế
Việc giá hàng hoá nguyên liệu thô tăng mạnh trong giai đoạn gần đây đang phủ bóng đen lên đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Giá cả hàng hoá tăng cao tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp và hộ gia đình, đồng thời làm gia tăng lo ngại lạm phát có thể kéo dài dai dẳng hơn.
Giá quặng sắt, đồng, gỗ xẻ đều đã đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử; giá ngô, đậu tương và lúa mì hiện đã đạt mức cao nhất trong vòng 8 năm gần đây. Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng đã phục hồi, chạm mức cao nhất trong hơn 2 năm trở lại đây.
Nền kinh tế toàn cầu chưa từng chứng kiến xu hướng tăng giá trên diện rộng của nhiều loại hàng hoá nguyên liệu thô như hiện nay kể từ đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi cuối năm 2007 và trước đó là cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1970.
Các nhà kinh tế học dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ dự kiến được công bố trong tuần này sẽ tăng mạnh do chi phí lao động tăng lên; đồng thời, phản ánh rõ hơn về xu hướng tăng của giá các loại hàng hoá.
Cục Thống kê Trung Quốc vừa cho biết chỉ số giá sản xuất của các nhà máy tại Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao nhất kể từ năm 2008, gây thêm áp lực rất lớn lên chỉ số giá cả toàn cầu. Trong tháng 4/2021, chỉ số giá sản xuất của các nhà máy tại Trung Quốc đã tăng 6,8%.
Thông thường, các nhà kinh tế học và các ngân hàng trung ương không quá lo ngại về biến động giá hàng hóa nguyên liệu thô khi giá các mặt hàng này có thể lên hoặc xuống theo thị trường và thường chiếm một phần nhỏ hơn so với các chi phí khác như chi phí nhà ở trong rổ hàng hoá để đo lường làm phát.
Tuy nhiên, việc giá hàng hoá nguyên liệu thô tăng kỷ lục trong thời gian gần đây đang khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp suy giảm mạnh. Các hộ gia đình thì phải chi trả nhiều hơn cho tiền nhiên liệu, hàng hoá tiêu dùng hàng ngày; kéo theo đó là giảm chi tiêu cho các lĩnh vực khác. Thậm chí, tại một số nước nghèo, người tiêu dùng khó có thể thoả mãn các nhu cầu cơ bản khi giá hàng hoá tăng mạnh.
Ông Franz Hofmeister, Giám đốc điều hành hãng sản xuất bánh ngọt Quaker Bakery Brands (Hoa Kỳ), cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh đang chịu ảnh hưởng từ mọi khía cạnh khi chi phí các nguyên liệu đầu vào như lúa mì, năng lượng và các thiết bị sản xuất bằng nhôm đã tăng ít nhất từ 25% - 35% kể từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, khách hàng lại phản đối khi Quaker Bakery Brands nâng giá một số sản phẩm thêm 8%. Ông Franz Hofmeister cũng cho biết “Điều đáng sợ là chúng tôi không thể dự báo được khi nào chi phí đầu vào mới ngừng tăng”.
Tại Trung Quốc, các chủ nhà máy đã phải tăng giá hoặc thậm chí tạm dừng hoạt động để bù lỗ do chi phí nguyên liệu thô tăng cao. Ông Matt Lin, nhà sáng lập công ty sản xuất đồ chơi Hong Miao Toy, cho biết, biên lợi nhuận của công ty đã giảm 30% trong năm nay. "Giá nguyên liệu thô đồng loạt tăng trong năm nay. Tôi không chắc mọi thứ sẽ quay trở lại mức trước đại dịch”, ông Matt Lin nhận định.
Hồi tháng 5 vừa qua, Giám đốc tài chính hãng xe BMW ông Nicolas Peter cho biết dự kiến hãng này sẽ chịu thiệt hại khoảng 500 triệu EUR do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Chuyên gia phân tích ngành ô tô Calcum MacRae tại hang dữ liệu GlobalData cũng cho biết việc giá thép tăng đã khiến giá của một chiếc ô tô hạng nhẹ trung bình sản xuất tại Hoa Kỳ tăng thêm khoảng 515 USD.
Phản ứng của các ngân hàng trung ương
Có nhiều nguyên nhân khiến giá hàng hoá nguyên liệu thô tăng mạnh như hiện nay, bao gồm việc bùng nổ nhu cầu khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 và những “nút thắt cổ chai” trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng một trong những nguyên nhân chính của vấn đề trên xuất phát từ việc các nhà hoạch định chính sách tại Hoa Kỳ và tại những nơi khác tung ra các gói kích thích kinh tế quy mô lớn chưa từng có, khiến nền kinh tế tăng trưởng nóng.
Giờ đây, các ngân hàng trung ương đang phải cân nhắc có nên nhanh chóng siết chặt các chính sách kích thích kinh tế như tăng lãi suất hay tiếp túc xem xét về những đợt tăng giá trong quá khứ cũng như theo dõi thêm các dấu hiệu lạm phát. Trong những năm 1970, việc nhiều quốc gia ưu tiên duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo vệ thị trường lao động thay vì kiểm soát giá tiêu dùng đã gây ra cú sốc dầu mỏ và đẩy lạm phát tăng cao.
Một số quốc gia như Brazil, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu thắt chặt các chính sách tiền tệ khi giá hàng hoá tăng cao. Tại Nga, một trong những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hoá, giá hàng hoá tăng cao đang khiến rủi ro lạm phát tại nước này trở nên hiện hữu hơn. Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất điều hành thêm 5 điểm phần trăm lên 5% vào tháng 4/2021 và cho biết sẽ cân nhắc tiếp tục nâng lãi suất lên nhằm đối phó "rủi ro lạm phát từ biến động giá trên thị trường hàng hóa toàn cầu.”
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vẫn giữ quan điểm lạc quan về tình trạng lạm phát. Trong một sự kiện diễn ra hồi tháng 5, nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ECB cho rằng tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ giúp kiểm soát loạt phát.
Tổng thể chung, hàng hóa nguyên liệu thô chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong giá tiêu dùng. Chúng chủ yếu được sử dụng để sản xuất hàng hóa chứ không phải dịch vụ - một phần lớn hơn của các nền kinh tế phát triển. Hàng hóa chiếm khoảng 20% tỷ trọng CPI của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tác động từ cú sốc giá hàng hoá nguyên liệu thô đối với lạm phát đã giảm bớt trong những thập kỷ gần đây khi yếu tố thương hiệu đã trở nên quan trọng đối với giá thành sau cùng.
Thực tế là tác động dây chuyền từ chỉ số giá sản xuất (PPI) sang chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn bị hạn chế một phần bởi mối quan hệ giữa hai chỉ số đã yếu đi. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp có thể lựa chọn việc tự gánh chịu chi phí tăng thay vì chuyển gánh nặng này sang người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo nhà kinh tế Dirk Schumacher, trưởng ban nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực Châu Âu của tập đoàn tài chính NATIXIS (Đức), nhận định giá hàng hóa có thể mang tính quyết định ở thời điểm những động lực khác đang đẩy mức giá lên cao hơn.
"Nếu bạn cho rằng các chính sách tài khóa của Hoa Kỳ đang được nới lỏng quá mức đang thì giá hàng hóa có thể sẽ là yếu tố cần để kích hoạt một vòng xoáy tăng giá mới”, ông Dirk Schumacher cảnh báo.
Giá hàng hóa tăng vọt cũng có thể là một cảnh báo sớm về lạm phát trong tương lai, bởi thị trường hàng hóa phản ứng nhanh với những thay đổi của nền kinh tế hơn là các loại sản phẩm thành phẩm. Ảnh hưởng của việc giá dầu thô phục hồi mạnh đã được phản ánh qua số liệu giá tiêu dùng tại một số nền kinh tế lớn.
Dữ liệu cho thấy mức giá tiêu dùng tại khu vực Eurozone trong tháng 5 vừa qua đã tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái; đây là mức tăng nhanh nhất kể từ cuối năm 2018. Tại Hoa Kỳ, giá xăng cũng đã tăng thêm 1,02 USD/gallon (4,5 lít) so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy giá lương thực trên toàn cầu đã tăng tháng thứ 12 liên tiếp trong tháng 5 vừa qua, tiệm cận mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, tất cả 5 nhóm chỉ số thành phần cấu thành chỉ số giá lương thực toàn cầu, đo lường từ giá dầu thực vật đến giá thịt, đều đã tăng lên.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng đà tăng của giá hàng hóa nguyên liệu thô sẽ giảm dần vào cuối năm nay, khi người tiêu dùng tại Hoa Kỳ chuyển sang chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ.
Bên cạnh đó, hãng nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh) dự báo mức tiêu thụ kim loại công nghiệp của Trung Quốc dự kiến sẽ giám xuống khi nước này siết chặt kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Mức tiêu thụ kim loại công nghiệp của Trung Quốc thường chiếm khoảng 50% tổng nhu cầu trên toàn cầu. Cố vấn cấp cao Dan Smith thuộc hãng phân tích thị trường Oxford Economics (Anh) cũng nhận định giá nhiều loại hàng hoá sẽ đi ngang trong 3 đến 6 tháng tới.