Lạm phát tại Hoa Kỳ lên mức cao nhất 13 năm trở lại đây

Dữ liệu mới nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hoa Kỳ đã tăng vọt 0,8% trong tháng 4 vừa qua. Đây là mức tăng theo tháng cao nhất kể từ năm 2009, qua đó đưa mức lạm phát trong 12 tháng liên tiếp của Hoa Kỳ lên mức cao nhất trong vòng 13 năm trở lại đây.

Dữ liệu mới nhất được Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố ngày 12/5 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hoa Kỳ trong tháng 4/2021 đã tăng 0,8% - mức tăng theo tháng cao nhất kể từ năm 2009. Qua đó, đưa mức lạm phát trong vòng 12 tháng liên tiếp của Hoa Kỳ lên mức 4,2% - mức cao nhất kể từ hồi năm 2008. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 2,6% hồi tháng 3/2021.

Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết nguyên nhân chính đẩy chỉ số CPI của Hoa Kỳ tăng cao kỷ lục là do nhu cầu hiện bùng nổ khi nền kinh tế nước này tái mở cửa trở lại nhưng nguồn cung không đáp ứng được kịp thời do một số chuỗi cung ứng vẫn đang bị đứt gãy.

Lạm phát Hoa Kỳ
 Lạm phát tại Hoa Kỳ hiện đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 (Ảnh:Market Watch)

Nhiều doanh nghiệp tại Hoa Kỳ hiện đang hoạt động hết công suất những vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng tại đây do một số chuỗi cung ứng vẫn đang bị tắc nghẽn dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, việc thiếu hụt nguồn cung chip điện tử đã làm giảm sản lượng ô tô mới, đẩy giá xe ô tô cũ tại Hoa Kỳ lên mức cao kỷ lục trong tháng 4 vừa qua. Bên cạnh đó, thiếu hụt chip điện tử cũng ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung nhiều sản phẩm điện tử gia dụng khác.

Người dân Hoa Kỳ cũng đang đổ xô đến các nhà hàng hoặc đi du lịch sau thời gian dài phải hạn chế di chuyển vì dịch bệnh. Điều này cũng đẩy giá cả của các ngành như hàng không, khách sạn, nhà hàng tăng vọt.

Các quan chức cấp cao của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) nhận định việc lạm phát tăng vọt trong tháng 4 vừa qua chỉ là vấn đề tạm thời khi nhu cầu vốn bị đè nén trong thời gian dài được giải phóng và nguồn cung không đáp ứng được kịp thời. FED cũng nhấn mạnh lạm phát sẽ giảm vào năm sau khi các tác động của đại dịch Covid-19 giảm dần, tỷ lệ thất nghiệp giảm và nền kinh tế toàn cầu dần phục hồi.  

Tuy nhiên, giới đầu tư tỏ ra quan ngại hơn về vấn đề lạm phát tại Hoa Kỳ và dự báo mức lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa trong những tháng tới. Một số nhà phân tích nhận định báo cáo lạm phát mới nhất sẽ gia tăng thêm áp lực để FED cân nhắc sớm nâng lãi suất cơ bản trở lại cũng như siết chặt các chương trình kích thích kinh tế.

Trước đó, FED đã nhiều lần khẳng định sẽ không tăng lãi suất hoặc giảm quy mô chương trình nới lỏng định lượng cho đến khi thị trường lao động Hoa Kỳ đạt trạng thái toàn dụng và lạm phát đạt mức 2% trong một khoảng thời gian. Một số chuyên gia hiện kỳ vọng mức mục tiêu lạm phát 2% của FED sẽ đạt được vào cuối năm nay.

Quang Đặng