Tắc nghẽn lan rộng các cảng phía Nam Trung Quốc
Tình trạng tắc nghẽn bắt đầu xảy ra với việc cảng container quốc tế Yantian tại đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Trung Quốc) buộc phải đóng cửa trong vài ngày cuối tháng 5 vừa qua khi một số nhân viên cảng nhiễm Covid-19. Mặc dù cảng Yantian đã được mở cửa hoạt động trở lại tuy nhiên việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt đang khiến năng lực xử lý hàng hoá tại đây giảm mạnh.
Cảng Yantian là một trong những cảng container lớn nhất Trung Quốc với sản lượng vận chuyển hàng năm đạt trên 13 triệu TEU (1 TEU tương đương 1 container 20 feet). Dữ liệu của website theo dõi tàu biển Marine Traffic cho thấy hiện có 36 tàu, trong đó có 33 tàu hàng, neo ngoài khơi khu vực cảng Yantian. Hiện các tàu đang phải chờ đến 5 ngày mới được vào trong khu vực cảng để bốc dỡ hàng hoá.
Trong ngày 7/6, hãng vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk cho biết dự kiến việc bốc dỡ hàng hoá tại khu vực cảng Yantian sẽ bị chậm 14 ngày do năng lực xử lý hàng hoá tại khu vực dành cho các tàu hàng chính hiện chỉ đạt 30%.
Hãng Maersk cho biết “Tình trạng tắc nghẽn tại khu vực cảng Yantian đang gia tăng khi các biện pháp khử trùng và cách ly được áp dụng. Tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi ngày càng có nhiều ca nhiễm mới Covid-19 được phát hiện tại đặc khu kinh tế Thâm Quyến và tỉnh Quảng Đông”.
Bên cạnh cảng Yantian, sự lây lan của dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của cảng Shekou (Thâm Quyến) và cảng Nansha (Quảng Đông). Đây đều là những cửa ngõ xuất khẩu quan trọng của khu vực phía Nam Trung Quốc.
Ông Stefan Holmqvist, giám đốc điều hành hãng Norman Global Logistics (Hồng Kông, Trung Quốc), cho biết các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cùng với tình trạng tắc nghẽn hàng hoá đang gây ra sự ùn ứ và chậm trễ trong hoạt động logistics tại toàn bộ khu vực phía Nam Trung Quốc.
Đe doạ chuỗi cung ứng toàn cầu
Một số hãng tàu cho biết nếu như tình hình tại khu vực cảng Yantian không được cải thiện thì sẽ buộc phải gia tăng số lượng chuyến tàu bỏ ghé cảng này. Danh sách các tàu hàng của hãng Hapag-Lloyd sẽ bỏ, không ghé cảng Yantian trong vòng 4 tuần tới hiện đã lên đến 16 tàu, tăng gấp 4 lần so với chỉ vài ngày trước đây.
Bên cạnh đó, danh sách các tàu hàng của hãng Maersk dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng từ sự tắc nghẽn tại cảng Yantian hiện cũng lên đến 40 tàu so với chỉ vài tàu trong những ngày trước. Hãng Maersk cảnh báo một số lịch vận chuyển sẽ được chuyển sang các chuyến tàu thay thế.
Ông Lars Jensen, Giám đốc điều hành hãng vận tải biển Vespucci Maritime, cho biết dựa trên thông tin của hãng tàu Maersk thì lượng container bị tồn đọng tại cảng Yantian ở mức 25.500 TEU/ngày.
Trong khi đó, lượng hàng hoá tồn đọng tại kênh đào Suez khi sự cố tắc nghẽn xảy ra hồi cuối tháng 3 vừa qua ở mức 55.000 TEU/ngày. Tuy nhiên, sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez chỉ diễn ra trong 6 ngày, còn sự cố tại cảng Yantian có thể vượt hơn 14 ngày. Bên cạnh đó, các cảng lân cận như Shekou và Nansha cũng sẽ chịu ảnh hưởng, theo ông Lars Jensen.
“Lượng hàng hoá ùn ứ sẽ tăng lên mỗi ngày và một khi các cảng hoạt động bình thường trở lại thì lượng hàng hoá sẽ tăng lên đột biến đến mức gây ra làn sóng tắc nghẽn tiềm ẩn tại các điểm đến tiếp theo của các tàu hàng với thời gian trễ từ khoảng 2 đến 5 tuần”, theo ông Lars Jensen nhận định.
Sau khi sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez được giải quyết, các cảng biển Châu Âu đã rơi vào tình trạng quá tải khi hàng chục tàu hàng cập cảng cùng lúc và khiến việc quay vòng các container hàng về khu vực Châu Á bị xáo trộn nghiêm trọng.
Chuyên gia phân tích Andrew Lee tại tập đoàn tài chính Jefferies Group (Hoa Kỳ) nhận định sự cố tắc nghẽn tại cảng Yantian đã trở thành vấn đề mới nhất đối với chuỗi cung ưng toàn cầu vốn và dự báo giá cước vận chuyển container sẽ sớm thiết lập mức cao kỷ lục mới trong ngắn hạn.
Cuối tuần trước chỉ số đo lường biến động giá vận chuyển container lạnh tại Trung Quốc đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục. Theo chỉ số đo lường biến động giá vận chuyển container toàn cầu Drewy World Container Index trong ngày 3/6, giá container giao ngay trên tuyến Thượng Hải (Trung Quốc) – Rotterdam (Hà Lan) đã tăng 2,8% lên 10.462 USD/1 container 40 feet; tương tự, giá cước trên tuyến Thượng Hải – Los Angeles (Hoa Kỳ) cũng tăng 3,7% lên 5.952 USD/1 container 40 feet.