Chốt phiên giao dịch ngày 6/7 (theo giờ Việt Nam), giá kim loại nhôm giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME, Anh) bật tăng 1,8% lên mức 2.745 USD/tấn, trong phiên giao dịch đã có lúc giá kim loại này chạm mức 2.782 USD/tấn – mức cao nhất kể từ hồi tháng 5/2011. Giá kim loại nhôm giao sau trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE, Trung Quốc) cũng đã tăng mạnh 3,4%, chạm mức cao nhất kể từ hồi năm 2006.
Giá thiếc bật tăng do thị trường lo ngại cuộc đạo chính quân sự tại quốc gia Châu Phi Guinea sẽ khiến nguồn cung quặng bauxite cho sản xuất nhôm trên thế giới sẽ bị gián đoạn. Guinea hiện là quốc gia xuất khẩu quặng bauxite lớn thứ hai thế giới, sau Australia và chiếm tới 25% tổng nguồn cung quặng bauxite trên toàn cầu.
Nguồn cung quặng bauxite từ Guinea đặc biệt quan trọng đối với ngành sản xuất nhôm tại Nga và Trung Quốc. Hiện Guinea cung ứng đến 55% tổng lượng quặng bauxite được Trung Quốc nhập khẩu hàng năm.
Truyền thông địa phương tại Guinea cho biết giới quân sự nước này đã bắt giữ Tổng thống Guinea ông Alpha Conde và các thành viên chính phủ, thay thế lãnh đạo tại các khu vực bằng các quân nhân, tuyên bố áp đặt lệnh giới nghiêm toàn quốc và đóng cửa biên giới “cho tới khi có thêm thông báo” vào ngày 5/9. Hãng tin AFP (Pháp) cho biết nhiều vụ đấu súng dữ dội đã xảy ra tại thủ đô Conkary của Guinea. Hàng loạt quốc gia và Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng phản đối cuộc đảo chính này.
Trước khi cuộc đảo chính quân sự tại Guinea diễn ra, giá kim loại nhôm trên thị trường quốc tế đã tăng gần 40% kể từ hồi đầu năm nay. Nhu cầu sử dụng nhôm cho các hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng đã tăng vọt khi hàng loạt quốc gia tung ra các gói kích thích kinh tế quy mô lớn nhằm chống lại tác động của đại dịch Covid-19. Trong khi đó, nguồn cung nhôm từ Trung Quốc suy giảm khi nước này đối mặt với khủng hoảng thiếu điện nghiêm trọng nhất trong 10 năm trở lại đây.
Mặc dù chính quyền quân sự mới đã cho biết các cảng tại Guinea sẽ vẫn hoạt động để đảm bảo hoạt động xuất khẩu khoáng sản, lệnh giới nghiêm tại các mỏ khai thác khoáng sản cũng được dỡ bỏ nhưng thị trường toàn cầu lo ngại những bất ổn chính trị sẽ khiến nguồn cung quặng bauxite gặp nhiều rủi ro. Guinea cũng sở hữu một số mỏ quặng sắt có chất lượng tốt nhất thế giới, bao gồm mỏ quặng sắt khổng lồ Simandou.
Với dân số khoảng 13 triệu người, Guinea là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới bất chấp sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản đáng kể và thường xuyên rơi vào bất ổn chính trị.
Ngân hàng đầu tư JPMorgan (Hoa Kỳ) nhận định những bất ổn chính trị mới nhất tại Guinea có thể gây ra rủi ro đối với hoạt động xuất khẩu của nhiều loại hàng hoá, nguyên liệu thô trên quy mô toàn cầu. Nhôm là kim loại quan trọng đối với hàng loạt sản phẩm công nghiệp hiện nay từ xe ô tô đến vỏ lon các loại đồ uống.
JPMorgan cũng cảnh báo các nhà xuất khẩu quặng bauxite từ Guinea có thể phải thương lượng lại với chính quyền quân sự mới về các hợp đồng xuất khẩu, điều này sẽ thúc đẩy giá nhôm tăng lên trong thời gian tới.
Trong khi đó, tập đoàn tài chính BMO Capital Markets (Canada) nhận định Trung Quốc có thể đẩy mạnh thu mua alumina trên toàn cầu trong những tuần tới nhằm đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất nhôm. Trung Quốc hiện chiếm khoảng 60% tổng sản lượng nhôm trên toàn cầu.
Giới phân tích dự báo nhu cầu sử dụng nhôm sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nhờ hoạt động sản xuất xe điện và các thiết bị năng lượng tái tạo được mở rộng.