Giá nông sản trên sàn CBOT biến động mạnh sau khi Hoa Kỳ công bố dữ liệu mùa vụ mới

Giá các loại nông sản trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago đã có sự biến động mạnh trong tuần vừa qua sau khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố các dữ liệu mới. Trong đó, giá lúa mì đã giảm tới 14,5% khi dự báo tồn kho lúa mì toàn cầu tăng lên cùng với đó là sức ép điều chỉnh sau chuỗi ngày tăng nóng của mặt hàng này
giá ngô
 Diễn biến giá ngô giao tháng 5/2022 trên sàn CBOT trong 3 tháng gần đây (Đồ hoạ: barchart.com)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 11/3), giá ngô giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) tăng nhẹ 6,75 cents lên 7,62 USD/giạ (25,4 kg/giạ); giá lúa mì giao tháng 5/2022 cũng tăng mạnh 19,5 cents lên 11,06 USD/giạ (27,2 kg/giạ). Ngược lại, giá đậu tương giao tháng 5/2022 giảm 10,25 cents xuống còn 16,76 USD/giạ (27,2 kg/giạ).

Tính chung cả tuần giao dịch vừa qua, giá ngô tăng 1,6%, giá đậu tương tăng 1% và giá lúa mì giảm 14,5%.

Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, cho biết thị trường hàng hoá nông sản thế giới vừa trải qua tuần biến động mạnh sau khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công bố Báo cáo Triển vọng cung cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 3/2022. Trong đó, mức tồn kho lúa mì trên toàn cầu trong niên vụ 2021/2022 được dự báo tăng 1,19% so với dữ liệu hồi tháng 2 vừa qua đã khiến giá lúa mì giảm mạnh trong tuần vừa qua.

Đối với mặt hàng ngô, báo cáo WASDE tháng 3/2022 dự báo sản lượng ngô tồn kho toàn cầu trong niên vụ 2021/2022 chỉ đạt 300,97 triệu tấn, thấp hơn 0,4% so với báo cáo gần nhất và thấp hơn tới 0,9% so với mức dự báo của thị trường. Điều này đã giúp đẩy giá ngô tiếp tục tăng lên. USDA cũng điều chỉnh giảm đáng kể dự báo sản lượng ngô tồn kho của Hoa Kỳ vào cuối niên vụ 2021/2022 xuống còn 1,54 triệu giạ. Mặt khác, mức giá thu mua ngô tại cửa nông trại tại Hoa Kỳ trong niên vụ 2021/2022 được nâng lên mức 5,65 USD/giạ, cao hơn nhiều so với mức 4,53 USD/giạ trong niên vụ trước.

Xem chi tiết báo cáo phân tích thị trường nông sản thế giới của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.

Sở giao dịch ngũ cốc Argentina vừa qua tiếp tục giảm dự báo sản lượng ngô nước này trong niên vụ 2021/2022 xuống còn 47,7 triệu tấn, giảm 0,3 triệu tấn so với mức dự báo gần nhất. Con số này cũng thấp hơn tới 10% so với mức dự báo đạt 53 triệu tấn của USDA. Điều này sẽ khiến nguồn cung ngô xuất khẩu của Argentina giảm xuống. Trong niên vụ 2021/2022, ngô xuất khẩu của Argentina được dự báo sẽ chiếm 19,5% tổng lượng ngô xuất khẩu trên toàn cầu.

Ngược lại, hãng thông tấn Interfax Ukraine cho biết Ukraine đã cấp phép xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của nước này, bao gồm ngô thông qua tuyến biên giới với Romania, Hungary, Slovakia và Ba Lan, từ đó, các lô hàng sẽ được chuyển tiếp đến các khách hàng.

Điều này sẽ hạn chế phần nào sự sụt giảm nguồn cung ngô ra thị trường quốc tế  sau khi Ukraine đóng cửa hàng loạt cảng xuất khẩu chính vì xung đột quân sự với Nga. Theo báo cáo của USDA trong tháng 2/2022, xuất khẩu ngô của Ukraine trong niên vụ 2021/2022 có thể đạt 28,93 triệu tấn. Nhưng Ukraine cho biết họ có thể xuất khẩu tới 33 triệu tấn ngô trong niên vụ này.

Sản lượng đậu tương
 Sản lượng đậu tương của Brazil qua các niên vụ gần đây (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Đối với mặt hàng đậu tương, nhiều vùng canh tác đậu tương lớn tại Brazil vừa tiếp tục giảm mạnh dự báo sản lượng trong niên vụ 2011/2022 do hạn hán kéo dài. Cụ thể, bang Rio Grande do Sul ước tính sản lượng đậu tương hiện sẽ chỉ đật 9,5 triệu tấn – mức thấp nhất 10 năm trở lại đây và chỉ bằng khoảng 50% mức sản lượng năm ngoái. Bang Mato Grosso cũng tiếp tục giảm dự báo sản lượng thêm 0,71% xuống còn 39,19 triệu tấn.

Đồng thời, USDA cũng hạ dự báo lượng tồn kho đậu tương cuối niên vụ 2021/2022 của Hoa Kỳ xuống còn 285 triệu giạ; tuy nhiên, lượng đậu tương xuất khẩu toàn niên vụ được dự báo tăng nhẹ lên mức 2,090 triệu giạ. Giá thu mua đậu tương tại cửa trang trại tại Hoa Kỳ được điều chỉnh tăng thêm 0,25 USD lên 13,25 USD/giạ. Mức tồn kho đậu tương toàn cầu niên vụ 2021/2022 được USDA điều chỉnh giảm còn 89,96 triệu tấn, giảm 3,4% so với dự báo gần nhất và thấp hơn mức tồn kho niên vụ trước.

tồn kho đậu tương
 Lượng tồn kho đậu tương tại Trung Quốc qua các tuần (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Trong khi đó, lượng tồn kho đậu tương tại Trung Quốc tiếp tục giảm tuần thứ ba liên tiếp, xuống mức thấp kỷ lục 2,94 triệu tấn. Con số này thấp hơn tới 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều nhà máy ép dầu đậu tương tại nước này đã phải tạm ngưng hoạt động do thiếu nguyên liệu.

Mặt khác, nguồn cung dầu hạt hướng dương từ Ukraine có thể bị đứt gãy vì xung đột quân sự. Điều này có thể khiến giá các loại dầu thực vật khác, đặc biệt là dầu đậu nành tiếp tục tăng lên, góp phần đẩy giá đậu tương tăng thời gian tới.

Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường nông sản tại đây.

giá lúa mì
 Diễn biến giá lúa mì giao tháng 5/2022 trên sàn CBOT trong 3 tháng gần đây (Đồ hoạ: barchart.com)

Đối với mặt hàng lúa mì, dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Canada cho thấy lượng lúa mì xuất khẩu của nước này kể từ đầu niên vụ 2021/2022 giảm tới hơn 39% so với cùng kỳ niên vụ trước. Trong khi đó, USDA điều chỉnh giảm lượng lúa mì xuất khẩu của hàng loạt quốc gia trong niên vụ 2021/2022 so với dữ liệu trong báo cáo WASDE tháng 2/2022. Cụ thể, xuất khẩu lúa mì của Hoa Kỳ đạt 21,77 triệu tấn (giảm 1,26%), của Nga đạt 32 triệu tấn (giảm 8,57%) và của Ukraine đạt 20 triệu tấn (giảm 16,66%).

Tuy nhiên, lượng tồn kho lúa mì cuối niên vụ 2021/2022 lại được USDA nâng lên mức 278,21 triệu tấn.

Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa.

  • Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.
  • Website: https://saigonfutures.com
  • Hotline: 0903.352.961
Duy Quang